09:30 15/10/2007

Tăng tốc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin

Quỳnh Anh

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam hiện đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm.
Ngày 12/10/2007, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về một số vấn đề liên quan tới ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam, trong đó nổi lên vấn đề trọng tâm là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển của giai đoạn mới hiện nay.

Trong bản báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã khẳng định, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong những năm qua, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ, hiện tại Việt Nam có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm (trên 95% có chuyên môn công nghệ thông tin), khoảng hơn 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin (khoảng 65% có chuyên môn công nghệ thông tin hoặc điện tử, viễn thông), gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp điện tử, phần cứng máy tính (khoảng 70% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc công nghệ thông tin), gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp viễn thông (với 60% có chuyên môn về điện tử, viễn thông hoặc công nghệ thông tin) và ước tính khoảng 90.000 nhân lực chuyên trách ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành khác.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng đã thẳng thắn thừa nhận, trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực ngành thời gian qua còn tồn tại 4 khuyết điểm: chỉ đạo thiếu sâu sát và cụ thể; đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiệu quả còn thấp so với đầu tư đã bỏ ra; việc xã hội hoá cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa cao, quản lý chưa tốt và định hướng cũng chưa rõ; định hướng cho đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và cấp quản lý hiệu quả chưa nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu, cần có các biện pháp, giải pháp mạnh, kèm theo việc cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhất là đào tạo hệ đại học và cao đẳng công nghệ thông tin.

Cần có các cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong việc thành lập các trường đào tạo công nghệ thông tin nhằm huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội đầu tư vào lĩnh vực này. Cần cho phép các trường được thêm quyền chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các vấn đề như chi tiêu và cách thức tuyển sinh, chương trình và giáo trình, học phí cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đầu tư và các hoạt động của trường.

Về mặt chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện, chuẩn bị phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2020 với mục tiêu trọng tâm: tăng tỷ lệ phổ cập công nghệ thông tin ở cấp phổ thông lên 80% và phục vụ cho phát triển đất nước trong thời đại đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tiếp nhận những ý kiến của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cùng các lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay đang là thời điểm thuận lợi để công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, bởi nhu cầu sử dụng nguồn lực công nghệ thông tin trong xã hội đang tăng vọt do các nhà đầu tư nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam.

Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực, theo Phó thủ tướng, phương châm chung là cần phải đào tạo đạt chuẩn, đào tạo theo chuẩn và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Phó thủ tướng cho rằng Việt Nam nên học tập và xây dựng chuẩn theo kinh nghiệm của quốc tế, những nước đã đi trước sớm có chuẩn về đào tạo công nghệ thông tin.

Ông đề nghị chậm nhất là trong vòng 5 tháng tới, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo phải công bố chuẩn này cho các trình độ. Đồng thời trình đề án thành lập cơ quan kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận đạt chuẩn. “Về chuẩn, tôi cho rằng chúng ta phải theo kinh nghiệm quốc tế chứ đừng tự xây dựng lấy”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. “Việc kiểm định chất lượng, cấp chứng nhận đạt chuẩn có thể xã hội hóa cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia. Chủ trương là khuyến khích doanh nghiệp mở trường đào tạo công nghệ thông tin”.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đề xuất với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin mà trong đó trọng tâm là đào tạo thày. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã hoàn thiện bản quy hoạch phát triển nguồn nhân lực với mấu chốt là việc cho ra đời chuẩn đào tạo công nghệ thông tin.