09:28 19/12/2007

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại

Quốc Trung

Các chuyên gia đều cho rằng, kinh tế thế giới năm 2008 sẽ tăng trưởng chậm và đối mặt không ít khó khăn

Thị trường nhà đất đóng băng đang có ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ.
Thị trường nhà đất đóng băng đang có ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ.
Khi năm 2007 đang dần khép lại, hầu hết các chuyên gia, tổ chức kinh tế đều nhận định kinh tế thế giới năm 2008 sẽ tăng trưởng chậm và đối mặt không ít khó khăn do các thị trường bất động sản đang giảm sút; kinh tế Mỹ suy thoái; giá dầu mỏ và giá hàng hóa tăng mạnh...

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP của 30 nước thành viên OECD (chiếm tới 60% GDP toàn cầu) sẽ giảm từ mức 2,7% năm 2007 xuống còn 2,3% năm 2008.

Tốc độ tăng trưởng ở các khu vực đều giảm nhẹ

Theo nhận định của OECD, kinh tế Mỹ sẽ tránh khỏi suy thoái với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2% trong năm 2008, so với mức dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng 5 năm nay. Nhận định nói trên khác với bản báo cáo giữa năm 2007, trong đó OECD dự báo, tăng trưởng GDP của các nước thành viên trong năm 2008 sẽ tương tự như tốc độ tăng trưởng của năm nay.

Trong báo cáo mới, tổ chức này đã hạ dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, khu vực đồng EUR, Nhật Bản, đồng thời dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên sẽ tăng 2,4% trong năm 2009. OECD cảnh báo, có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển "quá nóng" và Chính phủ nước này nên cho phép đồng NDT tăng giá trị nhanh hơn so với trước đây.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng vừa đưa ra dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi Đông Á năm 2008 sẽ giảm chút ít so với năm 2007, do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ, giá dầu mỏ và giá hàng hóa trên thế giới tăng.

Theo ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Á sẽ giảm từ mức 8,5% năm 2007 xuống còn 8% năm 2008. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, được coi là động lực tăng trưởng của khu vực, sẽ giảm từ 11,4% năm 2007 xuống còn 10,5% năm 2008, nếu các biện pháp "hạ nhiệt" kinh tế của nước này bắt đầu có hiệu lực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN sẽ giảm nhẹ từ 6,3% năm 2007 xuống 6,1% năm 2008.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) cũng vừa công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này đạt 5,6% trong năm nay và sẽ giảm nhẹ trong năm 2008, dự kiến là 4,9%. Tốc độ tăng 5,6% nói trên đã đánh dấu 6 năm tăng trưởng bền vững của khu vực này và đây là thời gian phát triển liên tục dài nhất trong 27 năm qua tại Mỹ Latinh.

Vẫn lạc quan nhìn về năm 2008

Mặc dù nhận định kinh tế thế giới năm 2008 đối mặt không ít khó khăn và tăng trưởng chậm lại, song nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu năm tới vẫn tương đối sáng sủa.

OECD khẳng định rằng tỉ lệ thất nghiệp thấp, lợi nhuận công ty cao và tốc độ tăng trưởng mạnh ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ bảo đảm cho kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng bất chấp các thị trường nhà ở bị suy giảm. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng trên các thị trường tài chính quốc tế sẽ không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu của các nhà kinh tế...

OECD kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức như hiện nay cho tới năm 2009.

Đánh giá về triển vọng kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Thư ký thường trực CEPAL Jose Luis Machinea cũng cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thế chấp Mỹ và tín dụng trên thế giới trong 6 tháng cuối năm, nhưng nhìn chung các nền kinh tế Mỹ Latinh vẫn giữ được bước tiến thuận lợi và đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2007 và tiếp tục tăng trưởng trong năm tới.

Đáng chú ý là năm nay, nhờ dự trữ ngoại tệ tăng, thặng dư tài khoản vãng lai, các khoản nợ nước ngoài giảm đáng kể, hệ thống tài chính vững chắc hơn và chính sách hối đoái hợp lý hơn là những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ Latinh tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, phát triển kinh tế cũng giúp giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 8% và lạm phát tiếp tục giảm dần xuống mức bình quân 6,4%.

Trong khi đó, ADB cảnh báo rằng sự tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi lạm phát cũng như sức ép về giá cả gia tăng trong năm 2008 sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á. ADB kêu gọi các nhà quản lý kinh tế thực thi nhanh việc nới lỏng tỷ giá tiền tệ và áp dụng các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định cơ cấu tỷ giá trong khu vực.