Tạo ra Hệ sinh thái khởi nghiệp "đầy sức sống" bằng cách nào?
Trong kỷ nguyên người tiêu dùng là trung tâm, "cuộc chơi" cũng không chỉ dành cho ông lớn, mà cho những doanh nghiệp hiểu và theo kịp khách hàng, không phân biệt doanh nghiệp ở địa phương nào
Hướng tới xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp gắn kết, có sức sống, không phải là cuộc đua riêng rẽ của các địa phương, mà cần có sự kết nối và hợp lực.
Không phải địa phương nào cũng có nguồn lực dồi dào để phát triển mạnh mẽ, với các cấu phần đầy đủ trong hệ sinh thái như các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội. Qua các chuyến tham quan, học hỏi tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trên thế giới, ông Phạm Duy Hiếu, Phó Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) bật mí: "Trong suốt 5 năm thử nghiệm, chúng tôi đã tìm thấy yếu tố tác động mạnh đến việc tạo ra sức sống cho các hệ sinh thái".
BA NGUYÊN LÝ QUAN TRỌNG
Ví von hệ sinh thái khởi nghiệp giống như một khu rừng, ông Phạm Duy Hiếu tưởng tượng: "Trong khu rừng đó, các loại cây, muông thú và vi sinh vật phải có mối tương tác với nhau, mới tạo nên sức sống cho khu rừng". Hỏi han những chuyên gia uyên bác nhất tại những hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động trên thế giới về công thức để tạo ra một "khu rừng" tràn đầy sức sống, nhưng những câu trả lời ông Hiếu nhận được đều là "không có công thức chung", vì mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng. Nếu áp công thức của một hệ sinh thái thành công trên thế giới và một địa phương nào đó ở Việt Nam, chắc chắn sẽ có vấn đề.
"Sau những phép thử, chúng tôi phát hiện ra ba nguyên lý chung để tạo nên một hệ sinh thái đầy sức sống", ông Hiếu hào hứng.
Thứ nhất, nguyên lý đầu tiên, tư duy mở. Mặc dù biết một thứ là không chắc chắn, nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp phải sẵn lòng thử. Không biết khởi nghiệp có thành công hay không, nhưng tôi biết rõ, nếu khởi nghiệp, sẽ có trải nghiệm. Có trải nghiệm sẽ có sự tiến bộ, trưởng thành, thì thành công sẽ đến.
Quá trình khởi nghiệp sẽ "thách thức những thứ chúng ta đã coi là đúng". Ông Hiếu minh họa, người ta nghĩ rằng khi vào một quán ăn, thực khách sẽ ăn theo đúng thứ tự. Theo đó, người phục vụ sẽ mang thực đơn ra, thực khách sẽ nhìn vào và chọn món. Dưới bếp phục vụ đồ ăn, ăn xong, thực khách sẽ tính tiền và ra về. Tuy nhiên, những doanh nghiệp khởi nghiệp phát hiện ra có thể đảo ngược tiến trình này.
Có những doanh nghiệp không có nhân viên phục vụ, như mô hình như Starbucks. Hoặc, người ta nghĩ rằng có thể chọn menu và đặt món, đặt bàn trước tại nhà. Khi đến nhà hàng, họ không cần phải đợi. Hay theo truyền thống, người ta nghĩ rằng, ăn uống phải mở mắt. Vậy sẽ thế nào nếu ăn mà bịt mắt? Sau khi bịt mắt, mọi giác quan không sử dụng, dồn toàn bộ năng lượng cho vị giác, sẽ đem đến trải nghiệm mới. Những ý tưởng sáng tạo giúp cho nảy nở những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ hai, tư duy giải quyết vấn đề. Khi có sự cố xảy ra, suy nghĩ giải pháp để giải quyết sự cố đấy, chứ không phải phàn nàn. Thay vì đau đớn vì những gì xảy ra không như ý, thì hãy suy nghĩ cơ hội kinh doanh ở đó. Giây phút tìm ra giải pháp nào đó, giúp cho người khác, là doanh nghiệp đã tìm ra cơ hội kinh doanh.
Thứ ba, tư duy kết nối và hợp lực. Công ty nào thuần về kỹ thuật sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính. Công ty nào thuần về bán hàng, sẽ suốt ngày đi bán sản phẩm người khác mà không phải bán sản phẩm của mình. Vì vậy, có những cặp kết nối vô cùng hữu dụng.
Đó là, founder- cofounder (sáng lập – đồng sáng lập), mỗi người một thế mạnh riêng, làm chung có sức mạnh lớn hơn, xóa bỏ tư duy làm tất ăn cả. Founder – mentor (sáng lập – người cố vấn), doanh nghiệp khởi nghiệp được chia sẻ bài học, sử dụng mối quan hệ của người đi trước, kinh nghiệm, sẽ giúp khả năng nhân rộng nhanh. Cuối cùng là founder – angle investor (nhà sáng lập - nhà đầu tư thiên thần), startup sẽ có vốn mồi, được nhà đầu tư hỗ trợ về mối quan hệ và mở rộng mạng lưới.
TẠO ĐIỂM CHẠM TỐT VỚI KHÁCH HÀNG
Hiện nay, xu thế của người tiêu dùng đang dịch chuyển và thay đổi rõ ràng hơn sau đại dịch, vừa là thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BambuUP chỉ rõ "người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu rất nhiều, xu hướng sử dụng các dòng sản phẩm có giá thấp hơn". Tại thời điểm này, khách hàng có thể mua sản phẩm của các nhãn hiệu khác, và quan tâm về giá cả, những sản phẩm liên quan về sức khỏe. Sản phẩm nội địa được ưa chuộng hơn.
Đặc biệt, "hiện nay, số lượng điểm chạm online ngày càng nhiều. Đây là cơ hội để các dòng sản phẩm địa phương tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn. Doanh nghiệp sẽ phải biết cách tạo điểm chạm tốt, để tiếp cận người tiêu dùng", bà Quỳnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, muốn hiểu người tiêu dùng, bà Quỳnh cho rằng "các doanh nghiệp nhỏ phải nhớ chiến lược cạnh tranh thông qua trải nghiệm khách hàng. Người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sự chăm sóc, sự trân trọng của chúng ta với họ". Doanh nghiệp phải thay đổi, sẵn sàng thử nghiệm cái mới. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ bởi hệ sinh thái ngày càng rộng mở và các đối tác trong hệ sinh thái, sân chơi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rộng lớn hơn rất nhiều.
BambuUP sẵn sàng đồng hành, cung cấp các thông tin có giá trị và thiết lập các kết nối có ý nghĩa giữa cộng đồng startup và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nuôi dưỡng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kinh doanh toàn diện.
Cũng theo ông Phạm Duy Hiếu, sự ra đời của "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) là một bước tiến rất thông minh, tạo dựng hệ sinh thái gắn kết, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có sức bật tốt hơn. Sau khi Đề án 844 ra đời, thay vì tài trợ tiền trực tiếp cho doanh nghiệp, tổ chức như trước đây, thì nay, tập trung tài trợ cho đối tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. "Điều này giống như gieo hạt, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng thử nghiệm những điều mới", ông Hiếu nhận định.
Mong muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững cho nông nghiệp, quy tụ nhiều vùng miền khác nhau, Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI) đã triển khai dự án "Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản nông nghiệp và tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất nhỏ tại Việt Nam" trên 17 tỉnh, thành phố khác nhau, nâng cao năng lực sản xuất trong suốt chuỗi giá trị cho các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.
Theo bà Kim Thị Thu Hà, cần liên kết bốn nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" và thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương để doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối và tìm được đối tác phù hợp.