09:47 06/08/2009

Tập đoàn kinh tế sẽ được tự quyết tiền lương

Từ Nguyên

Các tập đoàn kinh tế sẽ được quyền tự quyết định hình thức trả lương và mức lương nhằm tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”

Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo - Ảnh: T. Nguyên
Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo - Ảnh: T. Nguyên
Các tập đoàn kinh tế sẽ được quyền tự quyết định hình thức trả lương và mức lương nhằm tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” của doanh nghiệp Nhà nước.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Quản lý tập đoàn kinh tế, được Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra chiều 5/8.

Chưa lập cơ quan giám sát tập đoàn

Theo ông Muôn, việc thí điểm tập đoàn kinh tế vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, đề án quản lý tập đoàn kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn chỉnh để trình Chính phủ và công bố rộng rãi vào cuối tháng 8 này.

Cũng theo ông Muôn, trong đề án lần này có khá nhiều điểm mới, chẳng hạn như việc cho phép thí điểm các tập đoàn được chào giá cạnh tranh trong nội bộ tập đoàn nếu sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là  đầu vào của doanh nghiệp kia và ngược lại.

Đối với các tập đoàn thực hiện khai thác tài nguyên khoáng sản và sử dụng đất đai lớn thì sẽ giao cho công ty mẹ quản lý quỹ đất và khoáng sản, như Tập đoàn Than Khoáng sản, Tập đoàn Cao su…

Đặc biệt, dự thảo sẽ có một bước ngoặt lớn là cho phép các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước, nếu đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động lớn hơn tốc độ tăng tiền lương, sẽ được quyết định hình thức và cách thức trả lương nhằm khuyến khích người lao động, tránh tình trạng chảy máu chất xám đang ngày có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, ông Muôn cũng cho biết, trong công tác quản lý tập đoàn, dự thảo nghị định lại chưa đề cập đến việc lập ra một cơ quan chuyên biệt đảm nhận chức năng quản lý, giám sát mà việc này vẫn được phân cho các bộ ngành liên quan.

“Việc quản lý đầu tư ra ngoài ngành vẫn được giao cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi mục tiêu của giám sát là nhằm có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những sai sót của các tập đoàn, còn nếu lập ra để một năm sau mới báo cáo đánh giá thì cũng không có ý nghĩa gì”, ông Muôn cho biết.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định đối với các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản đầu tư ra nước ngoài, nếu vượt thẩm quyền sẽ giao Chính phủ quyết định, thay vì trách nhiệm của Quốc hội như hiện nay. Riêng thẩm quyền quyết định việc đầu tư ra ngoài ngành sang những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…vẫn sẽ do Thủ tướng quyết định.

Sẽ thận trọng với tăng giá xăng

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, liệu trong vài ngày tới sẽ tiếp tục tăng giá xăng dầu hay không, sau đề nghị tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, hiện liên Bộ Tài chính – Công Thương đang cân nhắc hết sức thận trọng vì việc tăng giá sẽ liên quan đến lợi ích của đông đảo người dân.

Theo Thứ trưởng Nghiệp, sở dĩ Bộ vẫn còn “lưỡng lự” trước đề xuất của một số doanh nghiệp là vì hiện nay giá xăng trên thị trường thế giới diễn biến rất phức tạp. Ngoài ra, việc cho phép các doanh nghiệp tăng giá xăng, dầu trong thời điểm hiện nay là khá “nhạy cảm”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nghiệp lại tiếp tục khẳng định, giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Tính từ ngày 24/7 tới nay, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của các daonh nghiệp đầu mối Việt Nam) đang có xu hướng tăng cao và vào ngày 5/8,  xăng A92 tại thị trường này đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng.

“Bộ sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi có ý kiến chính thức trả lời các doanh nghiệp. Do đó, hiện nay cũng chưa thể nói là có tăng hay không tăng được”, Thứ trưởng Nghiệp khẳng định.
 
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc, tính đến hôm nay đã qua 3 ngày kể từ ngày các doanh nghiệp nộp đơn xin tăng giá, nếu Bộ vẫn chưa có văn bản trả lời, các  doanh nghiệp có thể tự quyết định việc tăng giá theo quy định, Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, liên Bộ sẽ “có cách” trả lời thỏa đáng tới các doanh nghiệp chứ không thể “im lặng” được.

Ông Thỏa cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý cũng như báo chí tuyệt đối không được “khẳng định” sắp tới giá xăng tăng hay không tăng gây hiểu lầm cho người dân.

Cũng theo Cục trưởng Thỏa, do giá xăng dầu thế giới biến động liên tục nên việc bắt buộc các doanh nghiệp trích quỹ xăng dầu vẫn chưa thể thực hiện được. “Mọi quyết định liên quan đến giá xăng dầu đều phải được quyết định sau 20 ngày. Đợt giảm giá gần đây nhất cũng chỉ mới kéo dài được 14 ngày, sau đó đã tăng trở lại nên mọi kế hoạch đều được thay đổi cho hợp với tình hình thực tế”, ông Thỏa cho biết.