Tập đoàn Lộc Trời tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa, trị giá hơn 12.000 tỷ đồng
Ngày 9/2/2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời công bố việc thành lập 2 công ty con là LTA và LTS, tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa, trị giá hơn 12.000 tỷ đồng năm 2022…
Theo đó, hai công ty mới thành lập là Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (Lộc Trời Agricuture Product JSC – LTA) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (Lộc Trời Seed JSC – LTS). LTG tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp thông qua các hoạt động ký kết mua bán – tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa, trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản trong và ngoài nước.
Kế thừa thành tích của ngành lương thực của Tập đoàn với phần góp hơn 4.000 tỷ đồng vào doanh thu của LTG trong năm 2021, Công ty LTA có vai trò khâu đầu và cũng là khâu cuối trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bố khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xây xát, lưu kho, và giao hàng.
Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, LTA đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị LTG cho biết: Đơn hàng 2 triệu tấn lúa, hợp đồng tài trợ hơn 12.000 tỷ được ký kết ngày hôm nay là minh chứng cho sự tin tưởng của các đối tác trong và ngoài nước với mô hình kinh doanh “tổ chức sản xuất quy mô lớn theo đơn hàng” của LTG nói chung và LTA, LTS nói riêng.
Ngoài ra, khi hợp tác với LTG, các hộ nông dân sẽ được đảm bảo cung cấp đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cần thiết, không lo thiếu vốn sản xuất cũng như giảm đáng kể các rủi ro về biến động giá cả các loại vật tư nông nghiệp…
Được biết, để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Tập đoàn Lộc Trời và LTA đã thuyết phục 15 tổ chức ngân hàng, tài chính trong và ngoài nước đồng tài trợ 12.000 tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất – cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu, giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.