17:04 05/11/2019

Tập đoàn Sao Mai: Vì sao doanh thu khủng, lợi nhuận vẫn lao dốc?

Kim Phong

Dù ASM đã vượt qua kế hoạch doanh thu cả năm tuy nhiên về lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 48% mục tiêu

Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) cho thấy lợi nhuận công ty đã lao dốc một cách chóng mặt trong vòng 9 tháng đầu năm.

Trong quý 3 vừa qua, ASM vẫn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trên 3.331 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng 14% đạt 335 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng từ 53,4 cùng kỳ lên 76 tỷ đồng trong quý này.

Tuy nhiên, trong khi đó, các loại chi phí cũng lại tăng cao. Chi phí lãi vay quý 3 chiếm 87 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 56 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 25% và 35%.

Đáng chú ý, trong quý này, mảng hoạt động khác đưa về khoản lỗ hơn 11 tỷ cho Sao Mai. Quý 3/2018 mảng này vẫn mang lại lợi nhuận trên 16,5 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận quý 3/2019 của ASM giảm nhẹ 4% so với quý 3/2018, đạt 177,6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ASM đạt tới 10.453 tỷ đồng, gấp đôi doanh thu đạt được trong cùng kỳ 2018, thế nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, ở mức 601,9 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng mạnh. Trong 9 tháng, ASM phải gánh 234 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 90% so với cùng kỳ 2018.

Lợi nhuận kỳ 9 tháng này sụt giảm mạnh không còn là chuyện bất ngờ bởi chỉ riêng 6 tháng đầu năm ngoái, lợi nhuận của Sao Mai đã được đẩy lên quá mạnh.

asm

Thời điểm đó, công ty này gây đột biến về cả doanh thu và lợi nhuận khi các chỉ tiêu này tăng sốc so với những năm trước đó, chủ yếu do hạch toán từ việc tăng mua cổ phần để sáp nhập thêm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) trong nửa đầu năm 2018. 

Thương vụ này từng gây ồn ào khi việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào IDI mang lại lợi nhuận "bốc đầu" cho ASM, đẩy EPS của doanh nghiệp này lên 3.956 đồng vào 9 tháng đầu năm 2018 của ASM, gấp nhiều lần so với mức 569 đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng những con số "như mơ" trên báo cáo tài chính không hề được phản ánh vào giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán ở ASM hay IDI. Từ năm 2018, hai mã chứng khoán này dần dần rớt về dưới mệnh và bất chấp cổ đông nội bộ đứng ra mua vào cổ phiếu ASM, cả ASM và IDI vẫn trong trạng thái "ì ạch". Hiện 2 mã chứng khoán này chỉ còn được thị trường định giá quanh mức 5.000-6.000 đồng/cổ phiếu.

Xét trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này tính đến 30/9/2018 (15.681 tỷ đồng), nợ phải trả chiếm tới 9.342 tỷ đồng, tương đương gần 60% tổng tài sản và tăng thêm hơn 3.100 tỷ trong vòng 9 tháng. Trong đó tổng nợ vay và thuê tài chính ở mức 5.658 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm.

Với kết quả kinh doanh 9 tháng, dù ASM đã vượt qua kế hoạch doanh thu cả năm tuy nhiên về lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 48% mục tiêu.

Trong số những mảng hoạt động của ASM, mảng thức ăn cá trong kỳ này tăng vọt và đóng góp chủ yếu vào tổng doanh thu của công ty với 47%, tiếp theo là hoạt động cá xuất khẩu (24%). Tuy nhiên xét về biên lợi nhuận gộp, thức ăn cá chỉ có biên lãi gộp 4,6% khi lợi nhuận gộp từ hoạt động này chỉ đạt 227 tỷ đồng. Thay vào đó, mảng điện năng lượng mặt trời mới chỉ bắt đầu ghi nhận doanh thu tuy nhiên biên lãi gộp lên tới 76,3%, hoạt động cung cấp dịch vụ và bất động sản cũng có hiệu quả cao khi biên lãi gộp lần lượt ở mức 52% và 33%.

ASM 2