08:12 12/12/2023

Tây Ninh: Có trường hợp lợi dụng hiến đất làm đường để phân lô, bán nền

Ban Mai

Việc hiến đất, tặng đất cho Nhà nước để làm đường là có trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhưng có trường hợp lợi dụng việc này để phân lô, bán nền. Do đó, những ý kiến nói là hộ dân bức xúc nhưng thực tế lại là "cò đất" bức xúc…

TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, ý kiến của đại biểu Võ Quốc Khánh cho rằng việc chỉnh lý biến động công trình công cộng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sau khi người dân cho, tặng quyền sử dụng đất cho Nhà nước để dùng vào mục đích công cộng còn bất cập, trình tự thủ tục cũng rất khó khăn. Có những hộ dân đã nhiều năm hiến đất nhưng chưa được chỉnh lý biến động, gây bức xúc.

"CÒ ĐẤT" BỨC XÚC

Trả lời vấn đề này, ông Văn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, khẳng định việc hiến đất, tặng cho đất để Nhà nước làm công trình công cộng là nghĩa cử đẹp, đáng trân trọng, đáng ghi nhận nếu đó là hiến đất làm công trình giao thông công cộng vì mục đích chung (đã quy định rõ tại Điều 65, Nghị định 43). Tuy nhiên, tất cả những trường hợp hiến đất làm công trình giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay không nhiều.

Do đó, theo ông Dũng, có hiện tượng hiến đất, tặng đất cho Nhà nước làm đường, nhưng thực tế họ muốn nhân việc này để phân lô bán nền. Do đó, có những ý kiến nói là hộ dân bức xúc nhưng thực tế lại là "cò đất" bức xúc.

Ông Văn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, tại kỳ hợp thứ 10 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, trả lời chất vấn đại biểu.
Ông Văn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, tại kỳ hợp thứ 10 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá X, trả lời chất vấn đại biểu.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết thêm ngay sau kỳ họp này, sở sẽ có văn bản phối hợp, thống nhất với UBND cấp huyện thống kê rõ những trường hợp thực sự hiến đất làm công trình công cộng. Trong kỳ tiếp xúc cử tri, sở cũng sẽ cử lãnh đạo văn phòng đăng ký đất đai tham dự để tiếp nhận ý kiến cử tri về những trường hợp này.

“Nếu xác định những trường hợp cho tặng quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thực chất, đúng quy định sẽ chỉ đạo cán bộ xử lý hồ sơ dứt điểm ngay. Những trường hợp lợi dụng để phân lô, tách thửa sẽ cho thanh tra, kiểm tra, xử lý, thậm chí xử phạt vi phạm hành chính”, ông Dũng nói.

Sở sẽ phối hợp với UBND cấp huyện để giải quyết dứt điểm vấn đề chỉnh lý biến động công trình công cộng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây là công trình công cộng, không có phân lô, bán nền. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị quản lý trong vấn đề quản lý đất đai.

Đối với phản ánh về tình trạng chủ đầu tư đã hiến đất làm đường trước đó và họ đã rào lại không cho lưu thông đi lại, ông Dũng khẳng định không có trường hợp này. Vì người hiến đất đã trả lại đất cho Nhà nước, Nhà nước đã làm đường rồi thì người hiến đất không còn quyền nữa và không cho phép rào lại phần đất đã hiến làm đường.

Ông Dũng cũng cho biết từ khi ban hành Hướng dẫn số 3737 (ngày 30/5/2023) về tặng cho sử dụng đất để làm các công trình công cộng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không có hồ sơ nào của người dân gửi đến xin hiến đất làm đường giao thông nông thôn hoặc nông thôn mới. Nguyên nhân, có thể là người dân chưa hiến đất, cũng có khi những đối tượng lợi dụng phân lô, tách thửa không còn nữa.

ĐÃ TỪNG "SỐT ĐẤT"

Trước đó, giai đoạn 2020-2022, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tại các địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng hiến đất làm đường rồi phân lô, bán nền. Nhiều “đầu nậu” gom mua đất nông nghiệp đầu cơ rồi tách thửa bằng nhiều cách khác nhau. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, việc tách thửa trên đất nông nghiệp gia tăng thời gian qua gây ra cơn sốt về giá đất, tạo làn sóng đầu cơ đất, ảnh hưởng công tác quy hoạch, đền bù, làm méo mó thị trường đất nông nghiệp.

Một số địa phương, hoạt động giao dịch bất động sản diễn ra rất sôi động như huyện Dương Minh Châu; huyện Châu Thành; thị xã Trảng Bàng; TP. Tây Ninh.... Ông Đỗ Thanh Tam, cán bộ Địa chính xã Trí Bình, huyện Châu Thành, cho biết việc phân lô là đất nông nghiệp, mà phân lô thì không sản xuất được, đất bị bỏ hoang. Địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra, không để người dân chuyển đổi mục đất sử dụng, nếu có vi phạm sẽ đình chỉ liền. Còn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Đặng Thủ Thừa, Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, cho biết nhiều đối tượng ngoài tỉnh thu gom, mua đất nông nghiệp và tự ý phân lô, rao bán đất nền. Huyện đã chỉ đạo cho lực lượng công an, ngành văn hoá kiểm tra và sẽ có hình thức xử phạt.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là sắp tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như: cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782, ĐT 784, đường Đất Sét - Bến Củi; dự án Tuyến đường kết nối vùng N8 - ĐT 789 xã Bến Củi...

Ngoài ra, so với giá đất của các tỉnh lân cận thì Tây Ninh rẻ hơn rất nhiều nên nhà đầu tư đổ xô về đây mua đất "để dành".  Do đó, hồ sơ về đất đai trên địa bàn tỉnh này tăng trên 200%. Chỉ tính riêng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành tài nguyên môi trường của tỉnh đã tiếp nhận trên 835.000 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 99%.