TCBS tham vọng tăng vốn để triển khai mô hình “Zero-fee”
Ngày 23/11/2022, TCBS đã gửi văn bản xin ý kiến cổ đông về tăng vốn đầu tư trị giá 10.038 tỷ đồng, với giá mỗi cổ phần là 95.600 đồng. Động thái tăng vốn lần đầu kể từ năm 2019 cho TCBS đang tạo nên sự tò mò về bước đi mới của công ty chứng khoán thuộc top đầu thị trường...
THỜI ĐIỂM MANG TÍNH "QUYẾT ĐỊNH"
Theo TCBS, việc tăng vốn thuộc lộ trình kế hoạch đã hoạch định trong giai đoạn 2021 - 2025, mở ra thời kỳ 5 năm phát triển mới tập trung hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ tài chính Wealthtech.
Việc TCB đề xuất tăng vốn cho TCBS vào thời điểm này dường như “chậm chân” so với thị trường chung. Trong năm 2021, có 44 công ty chứng khoán đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ… Vốn điều lệ của nhóm công ty chứng khoán trong năm 2021 đã tăng thêm khoảng 35.300 tỷ đồng, trong khi tổng mức tăng 4 năm trước đó cộng lại chỉ là 25.200 tỷ đồng. Với nguồn vốn huy động bổ sung, các công ty có thể tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư…, chớp thời cơ khi thị trường chứng khoán trong con sóng tăng trưởng mạnh.
Thực tế, đã có nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đối với TCBS về thực hiện tăng vốn. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc tăng vốn mới được thực hiện, trong bối cảnh thị trường được đánh giá là nhiều khó khăn. Thị trường trái phiếu chững lại kể từ quý II/2022 và chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 37% so với đầu năm, trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, những cú giảm sâu cũng đồng thời đưa P/E thị trường về vùng thấp cách đây khoảng 10 năm.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng và phục hồi. Dẫu vậy, đây cũng là quãng thời gian mang tính “quyết định” khi các công ty chứng khoán phải chuẩn bị nâng cấp bản thân cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Với nguồn vốn mới, TCBS có thêm “lực” để đẩy mạnh hơn các mảng kinh doanh của Công ty để khai thác các cơ hội khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong giai đoạn hiện tại đang được định giá hấp dẫn, từ đó tiếp tục duy trì mức lợi suất cao. Các cơ hội này sẽ trở về với giá trị thật và biến thành lợi thế cho công ty khi thị trường bình ổn.
Chủ tịch TCBS Nguyễn Xuân Minh từng chia sẻ, vì đi sau nên TCBS buộc phải chọn cách riêng để thu hút khách hàng. Trong đó, chiến lược Wealthtech được xem là mũi nhọn dồn lực. Với diễn biến hiện nay, những công ty chứng khoán đầu ngành đang giành thêm thị phần khả năng cao sẽ trở thành những doanh nghiệp thống lĩnh ngành trong dài hạn, cộng với khả năng bán chéo nhiều sản phẩm phức tạp cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp này ngày càng cải thiện hiệu suất sinh lời (ROE).
THAM VỌNG "NHẠC TRƯỞNG CỦA DÒNG CHẢY VỐN"
Việc thực thi chiến lược Wealthtech sẽ giúp TCBS mở rộng hơn nữa tệp khách hàng, yếu tố quan trọng để tạo nên sự cạnh tranh hiện nay.
Tệp khách hàng lớn sẽ tạo dư địa để công ty chứng khoán đưa các sản phẩm mới tiếp cận với nhà đầu tư dễ dàng hơn. Nhà đầu tư thường tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, vì vậy muốn sở hữu đa dạng các loại sản phẩm đầu tư, không chỉ cổ phiếu mà còn trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại sản phẩm - dịch vụ khác (quản lý tài sản, quản trị rủi ro, tư vấn đầu tư…).
Đây cũng là lý do TCBS đẩy mạnh việc xây dựng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng và không ngừng nâng cấp, trong đó có thể kể tới chứng chỉ quỹ mở iFund, Nền tảng đầu tư cộng đồng iCopy, Cổng kết nối doanh nghiệp TCCorp, sản phẩm phái sinh iFuture, dịch vụ mở tài khoản số đẹp tự chọn 100% online…
Trong đó, iCopy, tính năng trong mục cổ phiếu trên nền tảng TCInvest đã hỗ trợ rất nhiều nhà đầu tư F0. Với một số tiền nhất định, nhà đầu tư mới có thể học hỏi từ nhà đầu tư thành công (được TCInvest gọi là iTrader). Khi iTrader thực hiện lệnh mua/bán, hệ thống iCopy sẽ tự động phân bổ vốn của nhà đầu tư F0 theo iTrader – người sẽ được nhận hoa hồng từ TCBS từ việc cho phép sao chép giao dịch này.
iCopy là nền tảng đầu tư cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam và được dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động môi giới trong thời gian tới, tương tự sự xuất hiện của Uber và Airbnb trên thị trường. Bởi vai trò của người môi giới mờ nhạt hơn, khi nhà đầu tư cá nhân có thể “sao chép” giao dịch từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp có hiệu quả vượt trội, và cả 2 bên cùng được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, TCBS sử dụng hệ thống tích điểm và thưởng iXu, với mỗi giao dịch hợp lệ, khách hàng được nhận điểm iXu để đổi thành tiền và/hoặc điểm VinID, quà, Voucher. Càng tích nhiều điểm iXu, xếp hạng khách hàng càng cao, họ sẽ càng nhận được nhiều quyền lợi tương ứng.
Cùng với đó, các chi phí khi tham gia đầu tư và giao dịch chứng khoán là một trong những vấn đề quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm. Hiện tại, các công ty chứng khoán quyết định mức giá dịch vụ môi giới mua - bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có đảm bảo tối đa 0,45% giá trị giao dịch. Theo đó, mức phí này đang dao động trong khoảng 0,1% đến 0,35%. Các công ty chứng khoán lâu đời thường thu phí cao hơn, bởi uy tín tốt giúp thu hút khách hàng tốt hơn so với các doanh nghiệp mới trên thị trường.
Cục diện này sẽ thay đổi, nếu một số công ty chứng khoán sẵn sàng “hy sinh” nguồn thu từ phí, áp dụng chiến lược Zerofee.
Tính cả năm 2021, cá nhân mở mới 1,53 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 4 lần so với năm 2020. Trong đó, số tài khoản mở mới tại TCBS chiếm tới 23% toàn ngành, tăng vượt trội 214% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới tháng 11/2022, TCBS đang phục vụ hơn 800 ngàn khách hàng.
Nếu áp dụng thành công Zero fee, đây chính là sự kế thừa vững chắc thành công mà Techcombank đã tạo ra khi là ngân hàng đầu tiênmiễn phí hoàn toàn các giao dịch chuyển khoản điện tử từ 9/2016, giúp gia tăng nhanh chóng số lượng khách hàng và duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dẫn đầu ngành ngân hàng.