Tế bào gốc: hy vọng mới của người mắc bệnh tim?
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản có kế hoạch tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để xem xét hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh tim bằng các tế bào gốc.
Đài truyền hình NHK đưa tin một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Fukuda Keiichi đứng đầu đã trình đề án lên ủy ban của Đại học Keio để xin phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Nếu được trường thông qua, nhóm sẽ tiếp tục trình dự án lên Chính phủ Nhật Bản. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép một nhóm nghiên cứu của Đại học Osaka dùng tế bào iPS để điều trị một chứng bệnh tim khác. Nhóm này đang chuẩn bị tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên.Tế bào gốc là một loại tế bào có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác. Cơ thể con người đòi hỏi nhiều loại tế bào khác nhau để hoạt động, nhưng nó không tạo ra từng loại tế bào được hình thành đầy đủ và sẵn sàng để sử dụng. Thay vào đó, nó tạo ra các tế bào gốc. Khi một tế bào gốc phân chia, các tế bào mới có thể trở thành một tế bào gốc khác hoặc một tế bào cụ thể, chẳng hạn như tế bào máu, tế bào não hoặc tế bào cơ... Các nhà khoa học gọi một tế bào gốc là một tế bào không phân biệt vì nó có thể trở thành bất kỳ tế bào nào.
Nếu trái tim của ai đó chứa mô bị tổn thương, các bác sĩ có thể kích thích mô khỏe mạnh phát triển bằng cách cấy tế bào gốc phát triển trong phòng thí nghiệm vào tim của người đó. Điều này có thể khiến các mô tim tự làm mới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Tim mạch Mỹ cũng đã thử nghiệm phương pháp này. Kết quả cho thấy, giảm đến 40% kích thước mô tim bị sẹo do đau tim khi các bác sĩ cấy ghép tế bào gốc vào khu vực bị tổn thương. Loại sẹo này trước đây được coi là vĩnh viễn và không thể điều trị.Giáo sư Fukuda từ Đại học Keio Nhật Bản cho biết, việc cấy tế bào gốc cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất trên những bệnh nhân tổn thương cơ tim không thể phục hồi, nhất là người lớn tuổi từng bị nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân sẽ được tiêm tế bào gốc vào vùng cơ tim bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu theo dõi sau từ 3 đến 6 tháng điều trị ghi nhận bệnh nhân có sự cải thiện chức năng tim đáng kể. Đặc biệt ở nhóm trẻ tuổi cho thấy hiệu quả rõ rệt hơn so với các bệnh nhân lớn tuổi. Cũng theo báo cáo, tất cả bệnh nhân được cấy tế bào gốc không bị biến chứng, vùng cơ tim từng bị nhồi máu đã hồi phục đáng kể.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản tiếp thao đây dự định sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng, cố gắng để tạo ra bước đột phá mới trong việc điều trị bệnh tim. Theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu dự kiến cấy ghép 50 triệu tế bào cơ tim nhân tạo được tạo ra từ các iPS cho 3 bệnh nhân bị chứng giãn cơ tim.Bên cạnh nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật mới như stent tự tiêu, phương tiện hình ảnh học tim mạch, thay van động mạch chủ qua da, phẫu thuật tim ít xâm lấn cho người lớn và trẻ em… thì điều trị bệnh mạch vành bằng tế bào gốc giúp chữa lành những tổn thương thực thể tại tim mà trước đây không thể điều trị được. Ở người mắc chứng giãn cơ tim, chức năng bơm máu của tim suy giảm và trường hợp nặng phải cấy ghép tim. Theo ước tính, ở Nhật Bản hiện có hàng chục nghìn người mắc bệnh này.
(Theo Nikkei Asian Review)