13:48 29/11/2023

Techcombank tập trung đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ cho phân khúc trung lưu

Linh Phong

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, Ngân hàng Techcombank lạc quan với hoạt động kinh doanh đang được triển khai theo đúng lộ trình đã định. Tổng Giám đốc Jens Lottner cho rằng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, và Techcombank, với sự đầu tư của mình, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội dài hạn từ tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại quốc gia này…

Các biến động kinh tế thế giới đang gây nên những áp lực đáng kể lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay dự kiến đạt 5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% của Chính phủ.

Tuy nhiên, tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner nhận định tình hình đang dần được cải thiện. Tin tưởng vào triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2024, Techcombank sẽ tập trung đón đầu các xu thế dài hạn có lợi trên thị trường.

“Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 33; tỷ lệ người dân sử dụng smartphone cao và số lượng người giàu thuộc top tăng nhanh hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tôi tin rằng trong 10 năm tới, nếu mọi việc suôn sẻ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tương đương với Trung Quốc hiện tại”, ông Lottner chia sẻ.

GDP Việt Nam dự kiến vượt Trung Quốc hiện nay.
GDP Việt Nam dự kiến vượt Trung Quốc hiện nay.

HƯỚNG TỚI PHỤC VỤ TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA VÀ MỞ RỘNG DANH MỤC SME

Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó có Techcombank khi kết quả kinh doanh sụt giảm. Tính đến ngày 30/09, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Techcombank lần đầu ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm sau rất nhiều năm tăng trưởng, tuy nhiên Techcombank vẫn là NHTMCP có lợi nhuận cao thứ hai trong toàn hệ thống. Cụ thể, LNTT 9 tháng đạt 17.100 tỷ đồng, giảm 17,8%. Tổng thu nhập hoạt động giảm 6,8% cùng kỳ, xuống 29.000 tỷ đồng. Riêng thu nhập lãi thuần giảm 14,4%, xuống 20.100 tỷ đồng.

Lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2023.
Lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2023.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Techcombank có những điểm sáng nhờ tập trung khai thác phân khúc khách hàng trung lưu đang tăng nhanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, thu nhập ngoài lãi 9 tháng tăng 16,1% lên 9.000 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 8% nhờ tăng trưởng phí thẻ tín dụng khi khối lượng giao dịch từ các hoạt động tiêu dùng và trả góp tiếp tục ở mức cao, cũng như từ các hoạt động L/C, thanh toán và tiền mặt, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp.

Nhận thấy tiềm năng trong việc phục vụ tệp khách hàng trẻ, hiểu biết về công nghệ thông qua các quan hệ đối tác và chương trình tri ân khách hàng, từ năm 2021, Techcombank hợp tác với “người khổng lồ” ngành bán lẻ - Masan nhằm cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt và các chương trình ưu đãi tại chuỗi cửa hàng tiện lợi Winmart.

Mặt khác, nhờ đầu tư vào số hóa, tệp khách hàng của Techcombank được mở rộng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Techcombank có thêm 2,2 triệu khách hàng mới, trong đó 44,4% được thu hút qua kênh số và 42,9% qua hệ sinh thái của các đối tác.

“Trước đây, Techcombank thu hút khách hàng chủ yếu qua kênh chi nhánh. Tuy nhiên, hiện tại, Techcombank có năng lực mở mới tài khoản khách hàng chỉ trong vài phút thông qua các kênh số. Nhờ vậy, chi phí phục vụ khách hàng được tối ưu từ 10 tới 20 điểm phần trăm”, ông Lottner cho biết.

Về cho vay, năm nay Techcombank tập trung mở rộng danh mục khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chiến lược lớn hơn mà Ngân hàng này theo đuổi là chuyển dịch danh mục tín dụng từ khách hàng doanh nghiệp lớn sang khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

 

Chiến lược lớn hơn mà Techcombank theo đuổi là chuyển dịch danh mục tín dụng từ khách hàng doanh nghiệp lớn, sang khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Techcombank đặc biệt chú trọng vào tài trợ các doanh nghiệp SME phục vụ tiêu dùng nội địa, chẳng hạn như nông sản, thay vì các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiên về xuất nhập khẩu như sản xuất. “Có lẽ hướng đi của chúng tôi hơi khác so với kỳ vọng thông thường… Chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực gắn liền với hoặc được thúc đẩy bởi tăng trưởng tiêu dùng nội địa”, Lottner chia sẻ thêm.

XÂY DỰNG CƠ CHẾ VÀ CHÍNH SÁCH CHIA CỔ TỨC BẰNG TIỀN

Theo truyền thông trong nước, Techcombank đang ấp ủ một chính sách hấp dẫn dành cho cổ đông. Ngân hàng này đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong cuộc họp ĐHĐCĐ 2023 hồi tháng 4, Chủ tịch Techcombank đã đề cập “có thể sẽ có thay đổi”.

Chia sẻ về vấn đề này, Lottner cho biết: “Mười năm trước, chúng tôi quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến hiện tại, vị thế và năng lực của Ngân hàng đã rất khác, lớn mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước. Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách dài hạn liên quan đến chia cổ tức cho cổ đông do Ngân hàng hiện đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa đảm bảo tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn và sẽ trình HĐQT phê duyệt”.

 

Tình hình tăng trưởng tốt của Techcombank đã thu hút sự chú ý của giới phân tích trong và ngoài nước. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng nắm giữ cổ phiếu thay vì bán ra.

Tình hình tăng trưởng tốt cũng như các kết quả kinh doanh tích cực của Techcombank đã thu hút sự chú ý của giới phân tích trong và ngoài nước. Theo Maybank, giá cổ phiếu Techcombank (mã TCB) hiện chưa phản ánh đúng giá trị thực tế, với hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) chỉ ở mức 0,9x, thấp hơn mức trung bình ngành là 1,4x. Và Maybank đưa ra khuyến nghị “Mua” TCB với mức giá mục tiêu là 48.700 đồng.

Giá TCB cuối phiên giao dịch ngày 28/11 tạm chốt ở mức 29.950 đồng. “Với mức giá này, TCB là một trong những cổ phiếu đáng đầu tư và nắm giữ nhất trong giai đoạn 2023 - 2025. Sự phục hồi của thị trường bất động sản cùng với dự báo tăng trưởng mạnh mẽ của trong năm 2024 là các yếu tố sẽ góp phần đưa giá TCB phản đúng hơn giá trị thực trong thời gian tới”, Maybank nhận định.

Khối ngoại cũng rất quan tâm đến cổ phiếu TCB, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu nước ngoài là rào cản lớn. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích trữ cổ phiếu thay vì bán ra. Cổ phiếu TCB hiện tại rất khó mua. Thêm vào đó là tin đồn về việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng làm TCB trở lên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.

Song, với sự cẩn trọng, Lottner nhấn mạnh: “Chúng tôi hướng tới việc mang lại giá trị lâu dài cho cổ đông. Thay vì chỉ tạo ra những sự kiện gây hứng thú nhất thời, Techcombank đặt mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị bền vững”.