"Mượn danh" doanh nghiệp lớn để lừa đảo tuyển dụng qua mạng xã hội
Gần đây, tình trạng mạo danh các doanh nghiệp lớn, uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên các nền tảng xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi, giả mạo giấy tờ khiến nhiều người nhẹ dạ, mắc bẫy…
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng PA05) - Công an TP.HCM, lợi dụng danh nghĩa của các thương hiệu lớn, uy tín để tuyển dụng không phải là chiêu trò mới nhưng chiêu trò này ngày càng mánh khóe, tinh vi và phức tạp hơn… khiến không ít trường hợp người lao động bị mắc bẫy.
Theo Phòng PA05, các đối tượng tạo lập các website (có tên miền gần giống), trang mạng xã hội giả mạo (sử dụng logo, hình ảnh, mã số thuế, địa chỉ …) các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy.
Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng hình ảnh giả mạo, được cắt ghép chỉnh sửa thành các “hợp đồng tuyển dụng, bản cam kết việc làm” và hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn. Các nạn nhân lầm tưởng đang xin việc, thỏa thuận việc làm với doanh nghiệp thật, công việc thật.
Dễ thấy nhất, các đối tượng sẽ dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản, đóng tiền ký quỹ để được nhận việc tại doanh nghiệp, tập đoàn; lừa đảo sẽ được làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua việc nhiệm vụ và nhận tiền công (like, share, giật đơn hàng ảo, đánh giá ảo, xem phim, nghe nhạc…); nhiều bị hại khi phát hiện bị lừa vẫn lầm tưởng đang bị chính công ty, doanh nghiệp bị mạo danh lừa đảo.
Ngoài ra, các nhóm tội phạm không chỉ lừa tiền giữ chỗ của nạn nhân mà còn thu thập trái phép dữ liệu cá nhân như: căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…
Nhóm tội phạm dùng dữ liệu cá nhân của các nạn nhân để thực hiện các hình thức lừa đảo tiếp theo. Trong quá trình này, các đối tượng có thể sử dụng thông tin này để đi vay tiền trên app và dụ dỗ nạn nhân xác thực khoản vay.
Cụ thể, mới đây, Unilever Việt Nam (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam) vừa đưa ra cảnh báo một số cá nhân đã mạo danh phòng nhân sự của công ty để tuyển dụng, lừa đảo tiền của người lao động.
Theo ghi nhận của Unilever Việt Nam, đối tượng lừa đảo đã lập các tài khoản trên Tiktok, lập website giả mạo website công ty để đăng thông tin tuyển dụng nhằm “giăng bẫy” người lao động.
Đối tượng lừa đảo giả mạo là người giữ chức vụ Phụ trách quan hệ lao động của Unilever Việt Nam, đăng thông tin tuyển dụng, môi giới ứng tuyển việc làm xuất khẩu lao động trên trang cá nhân. Sau đó, lập website giả mạo để tạo sự tin cậy cho người lao động. Người ứng tuyển được gửi phiếu (form đăng ký online) “Ứng tuyển nhân viên hỗ trợ văn phòng”. Sau đó, đối tượng kêu gọi người ứng tuyển ứng tiền.
Tinh vi hơn, đối tượng còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký và dấu mộc của công ty để tạo sự tin tưởng. Ứng viên sau khi chuyển tiền sẽ nhận biên lai và chờ đợi. Chờ quá thời hạn được hứa hẹn mà không có hồi âm, tìm thông tin trang cá nhân của người thu tiền cũng không thấy, người lao động chỉ biết mình bị lừa khi đến Unilever Việt Nam để hỏi thực hư thông tin tuyển dụng.
Unilever Việt Nam khẳng định, công ty không có hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động; chính sách ứng tuyển vào công ty không cần phải đóng phí, không nộp tiền thế chân, không đăng ký tài khoản cá nhân hay tham gia bất cứ hội nhóm nào.
Công ty cũng đưa ra thông tin cảnh báo cho người lao động, khuyến khích các ứng viên nên thận trọng, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo bằng cách tìm hiểu kỹ các thông tin trên các kênh tuyển dụng chính thống của Unilever Việt Nam…
Tương tự, tuần qua, anh Đoàn Hải Quân (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng được một đối tượng đăng trên mạng xã hội giới thiệu tuyển dụng vị trí Trưởng phòng kinh doanh cho “Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan”. Đối tượng dẫn dụ phỏng vấn ứng viên (vòng sơ tuyển) qua hình thức online bằng phần mềm Microsoft Teams.
Vòng sơ tuyển chủ yếu thu thập dữ liệu cá nhân của ứng viên và hầu như ai cũng dễ dàng vượt qua. Sau đó, đối tượng yêu cầu ứng viên kết bạn Zalo để giới thiệu về công ty Masan, văn hóa và các dự án đang triển khai. Đặc biệt, dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số Kiến thiết TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và yêu cầu ứng viên tham gia đóng tiền cho các gói dự án phúc lợi xã hội cùng nhiều hứa hẹn phúc lợi, lợi nhuận…
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản và chờ 03 ngày nhưng không thấy phản hồi công việc thì anh Quân mới biết mình bị lừa. Hiện, anh Quân đã thông báo cho cơ quan công an và nhà tuyển dụng Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan
Suy xét lại quá trình tuyển dụng, anh Quân chia sẻ, nhóm đối tượng lừa đảo này rất tinh vi và họ đã có sẵn kịch bản chiêu trò. Sau khi điện thoại và email thông báo tuyển dụng, các bước tiếp theo đều làm trên app Microsoft Teams và nền tảng website (https://kienthietphucloi) vì có thể do ứng dụng Zalo quản lý và yêu cầu xác thực tài khoản chặt chẽ hơn, hoặc do người dùng đã cảnh giác nên chúng chuyển hướng sang Microsoft Teams.
Trong lúc phỏng vấn qua Microsoft Teams, trong group sẽ có nhiều người và có ít nhất từ 1 đến 2 người (cùng là ứng viên phỏng vấn) kết bạn chào hỏi và tỏ ra thân thiện, thăm dò tâm lý và góp sức thúc đẩy việc tham gia đầu tư. Có thể nói, nhóm lừa đảo này rất tinh vi vì đã tìm hiểu doanh nghiệp, nghiên cứu và lên kịch bản hỏi đáp khá chuyên nghiệp khiến nhiều người mất cảnh giác, dễ rơi vào bẫy.
Trước thực trạng trên, Công an TP.HCM khuyến cáo mỗi cá nhân có nhu cầu tìm việc nên liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn. Đồng thời, các công ty, doanh nghiệp bị mạo danh cần kịp thời ra thông báo cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo công an về hành vi giả mạo lừa đảo trên để đấu tranh, xử lý theo quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên VnEconomy, những thông tin về lừa đảo liên quan đến doanh nghiệp rất ít được đăng tải trên chính website của doanh nghiệp, điều này càng làm cho việc tìm hiểu thông tin của ứng viên tuyển dụng bị hạn chế.
“Các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng… Vì vậy, người lao động khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào thì cần thận trọng kiểm tra thông tin ở các nguồn tin chính thống của doanh nghiệp, website chính thức, gọi điện thoại trực tiếp vào số hotline”, Công an TP.HCM khuyến cáo.