09:48 03/01/2022

Tesla lập kỷ lục mới về doanh số, Elon Musk “bỏ túi” 114 tỷ USD trong năm 2021

An Huy

Tesla thiết lập kỷ lục về số xe được giao trong quý 4 và cả năm 2021. Khối tài sản ròng cá nhân của CEO Musk cũng tăng chóng mặt trong năm vừa qua...

Loạt xe Model 3 tại một bãi đậu xe ở Richmond, California, Mỹ, hồi tháng 6/2018 - Ảnh: Reuters.
Loạt xe Model 3 tại một bãi đậu xe ở Richmond, California, Mỹ, hồi tháng 6/2018 - Ảnh: Reuters.

Tesla ngày 2/1 tuyên bố giao được 308.600 xe trong quý 4/2021, thiết lập kỷ lục mới về số xe được giao cho khách hàng trong một quý và vượt xa dự báo trước đó của giới phân tích.

Theo tin từ CNBC, cũng trong quý cuối cùng của năm cũ, hãng xe điện Mỹ sản xuất được 305.840 xe – mức cao chưa từng thấy trong lịch sử công ty. Kỷ lục trước đó về số xe được giao của Tesla được thiết lập trong quý 3, khi hãng này giao được 241.300 xe.

Cả năm 2021, Tesla giao được 936.172 xe, tăng 87% so với năm 2020.

Dữ liệu từ FactSet cho thấy giới phân tích ở Phố Wall kỳ vọng Tesla giao được 267.000 xe trong quý 4 và 897.000 xe trong cả năm 2021.

Lượng xe được giao là dữ liệu được xem là gần sát nhất về doanh số của Tesla. Thay vì công bố số xe bán được như các hãng xe khác, Tesla chỉ báo cáo con số về số xe mà hãng giao được cho khách hàng.

Khi đưa ra dữ liệu này, Tesla gộp số xe Model S và X – hai mẫu đắt tiền hơn, và gộp số xe Model 3 và Y – hai mẫu có mức giá mềm hơn. Tesla cũng không đưa ra các con số cụ thể về lượng xe được giao và sản lượng của từng mẫu xe tại các thị trường cụ thể.

Theo những gì được công bố, mẫu sedan hạng sang Model S và chiếc SUV có cửa hình cánh chim Model X chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số xe được hãng giao cho khách hàng trong năm 2021. Hai mẫu Model 3 và Model Y có 296.850 xe được giao trong quý 4, và 911.208 xe được giao cả năm.

Tesla sản xuất các mẫu Model 3 và Model Y tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải, Trung Quốc và ở Fremont, California Mỹ. Hai mẫu Model X và Model S chỉ được sản xuất ở Fremont.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla mới đây, CEO Elon Musk phàn nàn rằng trong năm 2021, hãng đã phải đối mặt với quá nhiều khó khăn về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện trong ngành công nghiệp ô tô đã dẫn tới việc Tesla bị thiếu hụt nặng nguồn cung chip và nhiều linh kiện khác.

Dù vậy, Tesla vẫn tăng được gần gấp đôi lượng xe giao cho khách hàng, bằng cách đẩy mạnh sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải và điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật đối với các mẫu xe sản xuất ở Fremont, sao cho không còn phải dùng tới một số linh kiện.

Trong đó, hồi tháng 5, Tesla tuyên bố sẽ loại bỏ cảm ứng radar khỏi Model 3 và Model Y dành cho thị trường Bắc Mỹ. Những mẫu xe này hiện chỉ còn trang bị hệ thống dựa trên camera để đáp ứng các tính năng hỗ trợ lái, như kiểm soát hành trình tuỳ tình hình giao thông hay tự động đi đúng làn.

Dù sao, năm 2021 vẫn là một năm rực rỡ của Tesla, khi hãng này trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới vượt mốc vốn hoá 1 nghìn tỷ USD. Cả năm, cổ phiếu Tesla tăng gần 50%.

Nhờ giá cổ phiếu tăng mạnh, ông Musk đã vượt qua nhà sáng lập Jeff Bezos của “đế chế” thương mại điện tử Amazon để trở thành người giàu nhất thế giới. Khối tài sản ròng cá nhân của ông Musk tăng thêm 114 tỷ USD trong năm vừa qua, đạt 270 tỷ USD – theo dữ liệu của xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index.

Ông Musk từng nói ông muốn doanh số của Tesla đạt 20 triệu xe mỗi năm trong vòng 9 năm tới đây. Nhằm mục tiêu này, Tesla dự kiến bắt đầu sản xuất mẫu crossover Model Y tại một nhà máy mới ở Austin, Texas, Mỹ trong năm nay. Tiếp đó, hãng dự kiến mở một nhà máy mới ở Brandenburg, Đức.

Tuy nhiên, Tesla đã hoãn kế hoạch sản xuất hàng loạt mẫu bán tải điện Cybertruck tới năm 2023. Hãng hiện đang nghiên cứu phát triển mẫu Semi và nâng cấp một mẫu xe cũ là Roadster.

Tesla hiện đang ở “ngôi vương” về doanh số ô tô điện tại Mỹ và nhiều thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo thị phần của Tesla trên toàn cầu có thể suy giảm trong những năm tới, bởi các đối thủ cạnh tranh cũng đang đầu tư mạnh để phát triển xe điện.

Chẳng hạn, hãng Toyota mới đây tuyên bố sẽ rót 35 tỷ USD để sản xuất xe điện trong thời gian đến 2030. Rivian cũng đã bắt đầu giao các sản phẩm xe bán tải và SUV chạy điện. Hãng Ford dừng nhận đặt trước mẫu bán tải điện F-150 sau khi nhận được 200.000 đơn hàng.

Dù vậy, doanh số của Tesla được nhận định sẽ tiếp tục tăng, cùng với nhu cầu ô tô điện trên toàn cầu, một phần do việc nhiều quốc gia thắt chặt quy định về bảo vệ môi trường.

Với tham vọng cắt giảm ô nhiễm không khí do khí thải xe cộ, nhiều bang ở Mỹ như California và New York đang học theo chính sách của nhiều quốc gia và thành phố ở châu Âu, đặt ra thời hạn để cấm phần lớn xe chạy động cơ đốt trong.

Theo dự báo của Alix Partners, đến 2030, khoảng 24% số ô tô mới được bán ra trên toàn cầu hàng năm có thể sẽ là xe chạy hoàn toàn bằng điện.