06:00 07/05/2021

Thách thức gì đợi ông Biden sau "tuần trăng mật" suôn sẻ?

Diên Vỹ

Chặng đường tương lai của chính quyền ông Biden chắc chắn không dễ dàng như trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên...

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng ở thời điểm Mỹ chìm trong khủng hoảng: đất nước chia rẽ sau vụ bạo loạn ở toà nhà Quốc hội Mỹ, số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày lập kỷ lục, và hàng triệu người không có việc làm. Dù vậy, 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden được giới quan sát đánh giá là suôn sẻ hơn cả những gì Đảng Dân chủ kỳ vọng.

Kế hoạch cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà ông Biden thúc đẩy ngay sau khi nhậm chức đã góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế Mỹ. Trên mặt trận chống dịch, ông Biden cũng vượt mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu nhậm chức.

MỤC  TIÊU 100 TRIỆU  LIỀU  VACCINE  TRONG  100 NGÀY

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhận định về những thành tựu to lớn của chính quyền mới: “Chúng tôi đang trên đà thành công trong việc thiết lập và vận hành các kế hoạch đã đặt ra…. Tôi kỳ vọng nền kinh tế phục hồi và tốc độ tạo việc làm sẽ tăng nhanh trong những tháng tới”. Theo bà Janet, chính sách kinh tế của ông Biden có thể đưa nước Mỹ trở lại tình trạng toàn dụng lao động vào năm 2022.

Nhưng ông Biden không chỉ muốn đưa nền kinh tế trở lại hiện trạng trước đại dịch. Trong một tham vọng lớn hơn, ông hướng đến loại bỏ thâm hụt thương mại, mang lại động lực kinh tế cho những người thu nhập thấp và xóa mờ sự bất bình đẳng đã kéo dài hàng thế kỷ.

Với mục tiêu lớn như vậy, chặng đường tương lai của chính quyền ông Biden chắc chắn không dễ dàng như trong "tuần trăng mật", nhất là khi nước Mỹ chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và các biến chủng virus mới.

Ngoài ra, hai đề xuất mới nhất của ông Biden là kế hoạch Việc làm cho nước Mỹ trị giá 2,3 nghìn tỷ USD và kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để thuyết phục lưỡng đảng, đặc biệt là các nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa.

Từ trước khi tiến vào Nhà Trắng, ông Biden đã chọn cách tiếp cận với đại dịch như một cuộc chiến. Và chìa khóa để chiến thắng không gì khác ngoài vaccine.

Một tháng sau cuộc bầu cử Mỹ, đội ngũ của ông Biden xây dựng mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Mức này thấp hơn tốc độ tiêm chủng dự kiến mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump công bố, nhưng nó thực tế hơn và cho phép tân Tổng thống giải quyết đồng thời 4 cuộc khủng hoảng của đất nước: đại dịch, kinh tế, phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu.

Chỉ sau 3 ngày tại nhiệm, ông Biden đã đạt mục tiêu tiêm 1 triệu liều vaccine mỗi ngày nhờ mạng lưới tiêm chủng được thiết lập nhanh chóng, linh hoạt. Dù không thừa nhận cách tiếp cận America First (Nước Mỹ trên hết) của người tiền nhiệm, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã đặt hàng thêm 300 triệu liều vaccine mới, chặn hầu hết các hoạt động xuất khẩu vaccine ra toàn cầu. Tuy nhiên, chính điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố vai trò toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch, từ  xuất khẩu vaccine cho đến vật tư y tế.

Thêm vào đó, đến thời điểm hiện tại, có những dấu hiệu cho thấy số người Mỹ sẵn sàng tiêm chủng đang ngày một ít đi. Sự xuất hiện các biến chủng virus mới với tốc độ lây lan nhanh chóng đang thổi bùng làn sóng dịch bệnh tiếp theo tại nhiều quốc gia. Các chuyên gia y tế quan ngại biến chủng virus trong tương lai có nguy cơ kháng những dòng vaccine thế hệ đầu tiên. Tức là chính quyền ông Biden còn nhiều điều phải làm để đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch.

NHỮNG GÓI CHI TIÊU GÂY TRANH CÃI

Tiếp nhận nền kinh tế suy yếu trong đại dịch, ông Biden tin rằng cần bơm thêm tiền bằng những gói cứu trợ khổng lồ.

Trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông Biden đã thành công trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua gói chi tiêu 1,9 nghìn tỷ USD bao gồm khoản hỗ trợ  trực tiếp 1.400 USD cho mỗi công dân. Bất chấp những quan ngại về nguy cơ lạm phát khi nền kinh tế phục hồi nóng, bà Yellen và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đều cho rằng ngân hàng trung ương có vị thế tốt để kiểm soát vấn đề này.

Đa số các cuộc thăm dò gần đây cho thấy dư luận Mỹ ủng hộ chính sách kinh tế Joe Biden cũng như gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD. Bản thân đảng Dân chủ không còn quá quan ngại về khả năng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên mức báo động trong ngắn hạn như trước.

Tuy nhiên, quy mô khổng lồ của gói kích thích nhắc nhở công chúng một điều: virus vẫn còn ở đó và nền kinh tế vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.

Để củng cố chính sách kinh tế của mình, ông Biden tiếp tục công bố hai gói chi tiêu khổng lồ mới. Cả hai dẫn đến một cuộc tranh luận dữ dội trong cả hai đảng: có nên tăng thuế để tài trợ cho nguồn thu ngân sách như đề xuất của Tổng thống hay không.

Một mặt, ông Biden đề xuất tăng thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại để tài trợ cho Kế hoạch Việc làm cho nước Mỹ trị giá 2,3 nghìn tỷ nhằm tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia.

Nhưng các nghị sĩ bảo thủ và công đoàn doanh nghiệp không ủng hộ mức tăng thuế như vậy. Ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, không phải ai cũng tin rằng nâng thuế doanh nghiệp lên 28% là động thái hợp lý, bởi nó có nguy cơ đe dọa đà phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch. Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin từ bang West Virginia là một ví dụ, ông này đề xuất mức tăng thuế doanh nghiệp chỉ nên dừng lại ở 25%.

Mặt khác, ông Biden cũng đề xuất tăng gần gấp đôi thuế tài sản gia tăng nhắm vào nhóm người giàu nhất đất nước để phục vụ kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1,8 nghìn tỷ USD. Cụ thể, ông Biden muốn tăng thuế tài sản gia tăng từ mức 20% hiện tại lên 39,6% để hướng đến mở rộng hệ thống giáo dục nhà trẻ miễn phí quốc gia, miễn phí đại học công, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giàu nghèo....

Đề xuất này tiếp tục vấp phải nhiều tranh cãi. Một phân tích dựa trên Mô hình Ngân sách Penn Wharton cảnh báo việc đánh thuế tài sản gia tăng gần gấp đôi có nguy cơ không làm tăng thu ngân sách, mà còn làm giảm thu tới 33 tỷ USD trong thập kỷ tiếp theo khi giới nhà giàu tìm mọi cách tránh thuế một cách hợp pháp.

Theo nguồn tin của Reuters, chính các quan chức Nhà Trắng đã lường trước rằng cả hai kế hoạch sẽ vấp phải sự tranh cãi dữ dội từ cả hai đảng.

Nếu những dự luật nghìn tỷ này không được Quốc hội thông qua, chương trình nghị sự Joe Biden khó tạo được dấu ấn đáng nhớ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục chỉ trích chính quyền mới trong nhiều vấn đề nóng, từ chính sách nhập cư đến biến đổi khí hậu.