18:38 16/08/2021

Thái Lan: Cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính châu Á

Bình Minh

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho rằng Chính phủ nước này cần chi tiêu thêm 1 nghìn tỷ Baht, tương đương 30 tỷ USD, để chống lại virus Sars-Covi-2 vì cú sốc mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế Thái Lan còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997...

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ Bloomberg, phát biểu ngày 16/8 tại một cuộc họp báo ở Bangkok, Thống đốc Sethaput Suthiwartnarueput nói rằng Chính phủ Thái Lan có thể vay thêm tiền để chi tiêu. Cho dù nợ công có vượt 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2024, thì đó vẫn là một con số trong tầm kiểm soát xét tới mức thanh khoản cao trong nước, lãi suất vay vốn thấp, và thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan - ông Sethaput nhận định.

“Việc vay mượn của Chính phủ sẽ giúp tiềm năng tăng trưởng phục hồi về mức cao hơn, và theo đó sẽ giảm tỷ lệ nợ so với GDP trong dài hạn”, ông Sethaput phát biểu. “Nếu Chính phủ không nhanh chóng cung cấp thêm sự hỗ trợ cho nền kinh tế vào một thời điểm có sự bấp bênh cao như hiện nay để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kéo dài”, tỷ lệ nợ công sẽ giữ ở mức cao và sẽ khó giảm xuống trong dài hạn.

Nền kinh tế Thái Lan đang oằn mình chống chọi làn sóng Covid tồi tệ nhất từ trước đến nay, buộc Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha phải áp phong toả tại nhiều khu vực của đất nước. Nhiều người Thái Lan không hài lòng với các biện pháp chống dịch của Chính phủ, dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối diễn ra gần như hàng ngày.

Lời kêu gọi Chính phủ tăng chi tiêu được Thống đốc BOT đưa ra chỉ vài giờ sau khi cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Chính phủ Thái Lan mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay còn 0,7-1,2%, từ mức 1,5-2,5% đưa ra hồi tháng 5.

Đồng Baht có lúc giảm giá 0,5% so với USD trong phiên giao dịch ngày 16/8, xuống gần mức đáy của 3 năm. Từ đầu năm đến nay, Baht đã mất giá 10,4%, trở thành đồng tiền rớt giá mạnh nhất ở châu Á.

Diễn biến tỷ giá USD so với đồng Baht Thái Lan. Đơn vị: Baht/USD.
Diễn biến tỷ giá USD so với đồng Baht Thái Lan. Đơn vị: Baht/USD.

Đến nay, Chính phủ Thái Lan đã công bố chi 1,5 nghìn tỷ Baht để kích cầu nền kinh tế vượt qua đại dịch, bao gồm 1 nghìn tỷ Baht trong năm ngoái và 500 tỷ Baht trong năm nay. Để vay nợ thêm, Chính phủ Thái Lan có thể phải nâng trần nợ công lên trên mức 60% GDP.

Ông Sethaput cho rằng nếu cần phải vay, thì tốt nhất Chính phủ nên vay ngay vào lúc này, vì sự chần chừ có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á. Ông dự báo các hộ gia đình ở Thái Lan có thể thiệt hại 2,6 nghìn tỷ Baht trong thời gian 2020-2022 vì đại dịch.

Đầu tháng này, BOT đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% trong lần họp thứ 10 liên tiếp, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 còn 0,7%.

Các biện pháp chống Covid đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh ở Thái Lan và sinh kế của hơn 40% dân số nước này. BOT ước tính đến cuối năm sẽ có khoảng 3,4 triệu người Thái Lan thất nghiệp hoặc gần như thất nghiệp, so với mức 3 triệu người trong quý 2 và tăng hơn 1 triệu người so với thời điểm trước đại dịch.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng lãi suất sẽ giảm thêm, vì tình hình kinh tế và đại dịch vẫn còn chưa có gì rõ ràng”, chuyên gia kinh tế Tim Leelahaphan của Standard Chartered ở Bangkok nhận định. Theo chuyên gia này, BOT đang ưu tiên vấn đề tăng trưởng hơn các nhiệm vụ chống lạm phát, đảm bảo ổn định tài chính hay chống nguy cơ thoái vốn.

Ông Sethaput nói rằng BOT vẫn “linh hoạt và thực tế” trong các biện pháp ứng phó với Covid, và cho rằng chi riêng công cụ lãi suất là không đủ để giúp Thái Lan hồi phục.