09:45 09/04/2025

Thẩm định Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng

Nguyệt Như

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất xem xét bổ sung Điều 198b theo hướng cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn và ra quyết định thi hành án ngay trong một số trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả...

Ảnh  minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 8/4, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế đã chủ trì buổi thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Tại buổi thẩm định, đại diện cơ quan soạn thảo, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) đã trình bày tóm tắt các nội dung chính của dự thảo Luật.

Theo đó, Dự thảo luật bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng bao gồm 2 điều.

Trong đó, bổ sung Điều 198 Luật các Tổ chức tín dụng về: quyền thu giữ tài sản bảo đảm; kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính…

Góp ý tại buổi thẩm định về dự thảo Luật, bà Chu Thị Quỳnh Hoa, Phó trưởng Ban Pháp luật và nghiệp vụ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), đề xuất xem xét bổ sung Điều 198b theo hướng cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn và ra quyết định thi hành án ngay trong một số trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Đối với Điều 198d, Hiệp hội kiến nghị quy định rõ rằng việc xử lý tài sản đấu giá để thi hành án sẽ không áp dụng theo quy định của Luật Đất đai nhằm tránh những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Quang cảnh buổi thẩm định. Ảnh: MOJ.
Quang cảnh buổi thẩm định. Ảnh: MOJ.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng phản ánh thực tế hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản do các cơ quan đăng ký đất đai ở địa phương từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Do đó, đề nghị bổ sung nội dung vào Điều 200 quy định rõ trách nhiệm của các bộ, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong việc hướng dẫn cụ thể việc đăng ký đất đai liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình sang tên, chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua trong các trường hợp chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm trong thực tế.

Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 của dự thảo luật liên quan đến điều kiện hoàn trả vật chứng là tài sản bảo đảm, nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với thực tiễn xét xử.

Về điều khoản thi hành, đại diện tòa án kiến nghị bỏ Khoản 2 Điều 2 của dự thảo vì cho rằng trách nhiệm của Tòa án Nhân dân trong hoạt động xét xử đã được quy định đầy đủ trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, nên không cần thiết phải lặp lại trong dự thảo này.

Bên cạnh đó, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định liên quan đến việc xử lý tài sản không thuộc trường hợp bị tạm đình chỉ theo pháp luật về phá sản.

Trong báo cáo rà soát của dự thảo Luật hiện chưa làm rõ tính tương thích giữa dự thảo và Luật Phá sản cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vì vậy cần bổ sung nội dung này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật, đại diện Bộ tài chính cho rằng quyền thu giữ tài sản bảo đảm cần có cơ chế giám sát rõ ràng để đảm bảo quy trình thu giữ của tổ chức tín dụng, đề nghị bổ sung cơ chế này để tránh lạm dụng quyền lực của tổ chức tín dụng.

Kết luận buổi thẩm định, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Hồng Hải cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát lại dự thảo Luật để tránh có quyết định xâm phạm quyền con người tại Hiến pháp.

Về phạm vi điều chỉnh, cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, ông Nguyễn Hồng Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo phạm vi đã bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các tình huống thực tiễn, tránh tình trạng phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều lần sau này.

Liên quan đến tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần xác định rõ cách tiếp cận và giải trình cụ thể để làm rõ tính đặc thù của dự thảo luật khi giao quyền thu giữ tài sản cho Ngân hàng Nhà nước – nội dung đã được quy định trong Nghị quyết 42 trước đây.

Cần rà soát lại cơ chế thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong áp dụng, đồng thời phải bảo đảm không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức tín dụng.

Dự thảo cũng cần có quy định về việc ban hành quy chế nội bộ chặt chẽ nhằm kiểm soát quá trình thu giữ, tránh những tác động tiêu cực hoặc gây phản cảm từ phía tổ chức tín dụng trong quá trình thực thi.

Đối với vấn đề đăng ký biến động tài sản, đề nghị thiết lập một cơ chế xử lý triệt để nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc hiện nay và đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng…