16:45 04/09/2019

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”

Hà Vũ

Năm 2019 công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống, theo báo cáo của Chính phủ.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo

Năm 2019 công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống, theo báo cáo của Chính phủ.

Có chiều hướng thuyên giảm 

Trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 4/9 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, nhìn chung tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Dự báo của Chính phủ là trong thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét.

Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm" và cho rằng tình hình tham nhũng trong thời gian tới tiếp tục có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, thông qua một số vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nổi lên trong năm qua cho thấy có sự móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao cho tội phạm, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách của nhà nước.

Chính phủ cần đánh giá và đưa ra dự báo tình hình tham nhũng thật cụ thể, phù hợp với thực trạng hơn nữa để có giải pháp phòng, chống tương xứng, nhóm nghiên cứu đề nghị.

Kê khai tài sản vẫn mang tính hình thức

Theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.081.235 người, đạt tỷ lệ 99,9%. Đã công khai 1.075.277 bản, đạt tỷ lệ 99,4%, có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.

Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cho rằng, những kết quả nêu trên chủ yếu vẫn mang tính hình thức; hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện, mà chưa kiểm soát được bản kê khai có trung thực không; tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không.

Với số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), nhưng số lượng bản kê khai được xác minh lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ (46 người), kết quả xác minh cũng chỉ phát hiện một số trường hợp vi phạm (10 trường hợp).

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm còn chưa hợp lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý, nhóm nghiên cứu phân tích.

Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua khi mà năm 2019 có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, giảm 35 người so với năm 2018, trong khi đó số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý không giảm so với cùng kỳ).

Nhận xét tiếp theo của nhóm nghiên cứu là vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác phòng chống tham nhũng chưa cao.