Tham vọng dẫn đầu của ông chủ dây cáp Goldcup
Học tập kinh nghiệm từ người Nhật, ông Vũ Quang Khánh đã đưa Goldcup trở thành một trong những công ty dây cáp hàng đầu
Bắt đầu khởi nghiệp vào năm 45 tuổi, ông Vũ Quang Khánh là một trong số ít người đi đầu trong việc nhập khẩu máy móc, công nghệ tiên tiến nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam. Ông bắt đầu với một tổ hợp tác nhỏ, dần phát triển trở thành công ty TNHH Ngọc Khánh - Goldcup.
Nói về lí do chọn ngành sản xuất dây cáp điện làm chủ lực, ông Khánh cho rằng đó là bởi "những người Việt Nam yêu nước phải tự đứng lên". Mặt khác, thời kỳ sau đổi mới, Việt Nam còn nghèo khó, lạc hậu, nên cần áp dụng công nghệ của nước ngoài để có sản phẩm tốt hơn, không chỉ sử dụng được trong nước mà còn xuất khẩu được sang nước ngoài.
Học tập từ người Nhật
Ông Khánh cho rằng, hợp tác với người nước ngoài, đặc biệt là người Nhật giúp người Việt Nam học tập được rất nhiều. Bản thân Ngọc Khánh - Goldcup cũng như ông luôn phải cảm ơn Tập đoàn Yazaki bởi đã thừa hưởng được nhiều giá trị đến vậy.
Từ chất lượng sản phẩm, quản lý kỹ thuật, quản lý nhân sự, cho đến công nghệ tiên tiến hiện đại, nhờ đó mà sản phẩm của công ty đã đạt đến chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. "Có bao nhiêu tiền cũng không đánh đổi được giá trị đó" - ông Khánh cho biết.
Để có thể hình thành và xây dựng Ngọc Khánh - Goldcup trở thành một trong những thương hiệu phổ biến và được khách hàng tin tưởng sử dụng, ông Khánh đã lèo lái "con tàu mang dây cáp điện" vượt qua nhiều khó khăn.
Khó khăn không phải ở cản trở về vốn hay nguồn nhân lực, mà chính là từ yêu cầu của đối tác lớn mạnh Yazaki mà công ty đã kí kết hợp đồng hơn 10 năm qua. Hằng năm, Nhật Bản luôn yêu cầu Goldcup phải nghiên cứu để giảm giá sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất để tiết kiệm. Bởi không chỉ đầu tư riêng ở Việt Nam, Yazaki còn đầu tư các nhà máy sản xuất khác tại các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Mexico nên giá thành phải như nhau, không có chuyện nhà máy này giá cao hơn nhà máy khác.
Chấp nhận yêu cầu đó, ông Khánh cùng đội ngũ Goldcup dành nhiều năm trời để vừa tính toán đảm bảo nguồn nhân lực, chi phí cho nhân công và vừa sản xuất có hiệu quả, giá thành không bị đội lên. Thành quả đó đã được tập đoàn Yazaki ghi nhận.
Bên cạnh đó, ông Khánh cũng cho rằng tinh thần và văn hóa làm việc giúp nhân viên trong công ty gắn bó với công việc và nỗ lực hơn. "Nhân viên của tôi làm việc rất chỉn chu, dù ở bất kì vị trí nào cũng làm hết mình với công việc, không tính toán giờ giấc", ông Khánh nói và cho biết thêm điều này là nhờ học hỏi người Nhật.
Tham vọng dẫn đầu
Tại thị trường nội địa, đặc biệt là miền Bắc, ông Vũ Quang Khánh đã xây dựng dây và Cáp điện Goldcup trở thành một trong những thương hiệu có uy tín. Sản phẩm của công ty đã tạo được uy tín nhất định với các khách hàng lớn như Tổng công ty Vinaconex, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Nam Cường…
Sản phẩm của Goldcup cũng đã có mặt trong những công trình trọng điểm là Nhà máy Thủy điện Sơn La, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Dự án cải tạo lưới điện Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện, các khu công nghiệp, các khu chế xuất, các khu đô thị lớn và các công trình dân dụng, công nghiệp.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, ông Khánh còn đưa công nghệ cáp điện ép nén vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có độ dẫn điện tốt, hiệu suất làm việc cao hơn, giảm được tiết diện rộng của vỏ cáp, thuận lợi cho thi công lắp đặt.
Hiện tại, tổng diện tích của ba nhà máy Dây và Cáp điện hạ thế, Cáp hàn và Cáp cao su, Dây điện Ô tô đã lên tới gần 15 ha.
Ông Khánh cho biết trong tương lai, công ty sẽ tập trung cung cấp sản phẩm dây và cáp điện chất lượng cao dùng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử… Bên cạnh đó, công nghiệp năng lượng sạch - sử dụng năng lượng mặt trời sẽ là bước tiến mới của công ty trong việc hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, mang lại nguồn cung cấp dồi dào, cải thiện chất lượng sống.