16:16 04/03/2021

"Thần tốc" truy vết các trường hợp liên quan đến chủng virus mới

Lý Hà - Tú Anh

Tính đến thời điểm 5 giờ ngày 21/2/2021, Công an Tỉnh Hải Dương đã rà soát, truy vết “thần tốc” không kể ngày đêm xác định tổng số 19.540 đối tượng F1, 71.866 đối tượng F2 và 52.631 đối tượng F3

Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương
Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương

Có thể nói việc tham gia của ngành Công an trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần "Chống dịch như chống giặc" đã giúp cho ngành Y tế chống dịch thêm hiệu quả. 

Kinh tế Việt Nam/Vneconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Châu, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương xung quanh việc đơn vị này tham gia phòng chống dịch giúp tỉnh kiểm soát dịch trong thời gian sớm nhất.

Thưa ông, dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương lần này rất khác với các đợt trước đó. Việc "thần tốc" truy vết các F1, F2… là cực kỳ quan trọng. Với những kinh nghiệm của mình, Công an tỉnh đã tham gia công tác này như thế nào?

Đúng vậy, dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương được phát hiện vào ngày 27/1/2021 vừa rồi có những sự khác biệt so với nơi khác. Đó là do một chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, dịch phát ra ở Công ty TNHH điện tử Poyun Việt Nam - nơi có nhiều công nhân lại và vào dịp cận Tết… Do đó, quan trọng nhất lúc này là phải "thần tốc" truy vết các trường hợp F1, F2. Và Bộ Công an, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Công an,  Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã chỉ đạo, giao cho ngành công an phối hợp thực hiện nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F2 nhằm khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Đặc biệt, tình trạng một số ca bệnh F0 có lịch sử dịch tễ phức tạp, có biểu hiện khai báo không trung thực, che dấu không khai báo, nên ngày 05/02/2021 Giám đốc Công an tỉnh đã Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covd-19 Công an tỉnh Hải Dương, với thành phần tham gia đều là cán bộ chiến sĩ trẻ, tinh nhuệ  nhằm truy vết và xác định chính xác nguồn lây của các F0 trong cộng đồng; nhanh chóng, thần tốc truy vết triệt để F1, F2…; kịp thời thông báo cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid–19.

Nói về thần tốc có thể ví dụ việc truy vết của bệnh nhân BN 1983 - nhân viên Công ty chuyển phát nhanh Thuận Phong ở Cẩm Giàng và việc xác định nguồn lây ở ổ dịch số 15 Trần Sùng Dĩnh,  phường Hải Tân, Tp.Hải Dương. Ca bệnh 1983 là ca bệnh và các F1 có lịch trình di chuyển hết sức phức tạp, nhưng trong thời gian ngắn chúng tôi  đã xác định toàn bộ 389 F1 và gần 4.000 F2. Ngay trong đêm 06/02/2021 đã xác định hơn 500 số điện thoại có liên quan đến ca bệnh này và xác định chính xác 168 đối tượng F1 có liên quan, và qua đó đã nhanh chóng xác định chính xác nguồn lây nhiễm tại ổ dịch số 15 Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân, Tp.Hải Dương. 

Trước đó nghi ngờ ca nhiễm này không rõ nguồn lây, Bộ Y tế đề nghị phong tỏa thành phố để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, sau khi Tổ công tác đặc biệt xác định được chính xác nguồn lây nhiễm đã dừng việc phong tỏa TP Hải Dương. Thực tế, tính đến 05h ngày 21/2/2021, Công an tỉnh đã rà soát, truy vết "thần tốc" không kể ngày đêm xác định: 19.540 F1, 71.866 F2, 52.631 F3.

Còn việc thực hiện triển khai các chốt kiểm tra giám sát cách ly, phong tỏa thì thế nào, thưa ông?

Việc  triển khai các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và phòng, chống dịch trong những lúc như thế này rất quan trọng. Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch, chúng tôi rà soát, cập nhật, bổ sung toàn bộ các chốt cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo các phương án đã báo cáo và  được chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ trước đó.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi lại căn cứ vào tình hình thực tế để tham mưu hoặc đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh điều chỉnh hoạt động của các chốt cho phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Có thời điểm phải tổ chức xây dựng, triển khai thành lập các chốt kiểm soát liên ngành phục vụ cách ly, phong tỏa lên đến 940 chốt trên toàn tỉnh với tổng số 10.890 người tham gia các chốt, trong đó có cả lực lượng Cảnh sát Cơ động của Bộ Công an và một số công an xã bán chuyên trách…

Không những truy vết "thần tốc", phong tỏa chính xác mà ngành Công an còn tham gia đảm bảo an ninh trên mạng cũng như ứng dụng công nghệ trong truy vết. Ông có thể cho biết một số điều về vấn đề này, thưa ông?   

Dịch Covid-19 bùng phát, lây lan đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh thông tin cũng như kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, thông tin giả xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Để phối hợp giải quyết vấn đề thông tin cũng như quyết liệt hơn trong công tác truy vết, Công an tỉnh đã chủ động đề nghị, phối hợp Công ty Zalo Việt Nam (Bộ phận Zalo Official Account) hỗ trợ thành lập Trang thông tin điện tử Zalo "CÔNG AN TỈNH HẢI DƯƠNG".

Ngoài việc tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh còn đề nghị tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, các bản tin tức, thông báo y tế khẩn, cập nhật nhất về tình hình dịch bệnh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; Công an tỉnh còn đề nghị tích hợp thêm ứng dụng "Khai báo y tế", số người truy cập đã lên tới trên 300 ngàn lượt, số khai báo y tế là trên 15.000 lượt người tham gia. Danh sách và tất cả các thông tin được Công an tỉnh trích xuất và gửi thông báo kịp thời cho Sở Y tế.

Thưa ông, một lĩnh vực nữa cũng rất đáng quan tâm trong công tác phòng chống dịch là việc quản lý người nước ngoài, người ngoài tỉnh trên địa bàn, công dân địa phương nhập cảnh về Việt Nam.  Hiện Công an Hải Dương đang thực hiện việc này như thế nào?

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Bộ Công an, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đã chỉ đạo chống dịch với tinh thần "Chống dịch như chống giặc; phòng, chống dịch covid – 19 là nhiệm vụ chính trị cấp bách, quan trọng ưu tiên hàng đầu". Cho nên. Công an tỉnh Hải Dương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch…

Về công tác quản lý cư trú, người nước ngoài, người ngoài tỉnh trên địa bàn tỉnh, công dân địa phương nhập cảnh về Việt Nam. Chúng tôi đã tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là công tác quản lý người nước ngoài, quản lý người ngoài tỉnh sinh sống trên địa bàn, quản lý công dân nhập cảnh về địa phương… để phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn lây nhiễm bệnh từ bên ngoài; cũng như phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang các địa bàn khác, địa phương khác. 

Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có người thân đang sinh sống tại nước ngoài cam kết không nhập cảnh trái phép, kịp thời phát hiện, xử lý 17 trường hợp nhập cảnh trái phép về địa phương. Hiện lực lượng Công an đã quản lý chặt chẽ 4.273 người nước ngoài; phối hợp tổ chức cách ly 87 người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn; 556 người Hải Dương nhập cảnh về Việt Nam và đều được cách ly theo quy định; 264 công dân Hải Dương nhập cảnh trở hiện đang ở địa phương.

Hải Dương là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp. Vậy Công an Hải Dương thực hiện công tác bảo đảm an ninh kinh tế và phòng chống dịch như thế nào để doanh nghiệp, người lao động an tâm, thưa ông?

Trên địa bàn tỉnh có 10 khu công nghiệp (KCN), 38 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động; với quy mô 256 dự án trong các KCN (trong đó có 191 dự án FDI và 65 dự án đầu tư trong nước); 407 doanh nghiệp ở các CCN.  Chúng tôi đã và đang tập trung nắm chắc tình hình an ninh kinh tế liên quan dịch bệnh, tình hình tại các doanh nghiệp, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh có các ca nhiễm, nghi nhiễm để kịp thời tham mưu, xử lý các vấn đề phát sinh. Xây dựng kế hoạch, thành lập 06 tổ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu ký cam kết về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, doanh nghiệp.

Phối hợp với Công an 60 tỉnh, thành phố xác định thông tin của 26.144 công nhân có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng về nơi cư trú trong dịp Tết, để họ kiểm tra giám sát việc cách ly, truy vết kịp thời. Bên cạnh đó, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan yêu cầu các công ty, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh về công tác phòng, chống dịch khi tổ chức sản xuất trở lại sau tết Nguyên đán. Đến nay, đã có 104 doanh nghiệp hoạt động trở lại với khoảng 40.000 công nhân.

Thần tốc truy vết chủng virus mới một cách hiệu quả - Ảnh 1.

Công An tỉnh Hải Dương đã phối hợp truy vết "thần tốc" các ca có liên quan đến Covid-19