09:43 28/04/2009

Thận trọng với “tín hiệu” phục hồi: Vai trò chính phủ

Kiều Oanh

Trong nhiều năm tới, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào chính phủ

Công nhân biểu tình trong một cuộc tuần hành phản đối cắt giảm trợ cấp thất nghiệp, tại bang Indianapolis (Mỹ), ngày 27/4 - Ảnh: AP.
Công nhân biểu tình trong một cuộc tuần hành phản đối cắt giảm trợ cấp thất nghiệp, tại bang Indianapolis (Mỹ), ngày 27/4 - Ảnh: AP.
Thời gian gần đây, kinh tế thế giới phát đi một số tín hiệu tích cực, khiến không ít người tin rằng, quá trình phục hồi tăng trưởng đã bắt đầu. Tuy nhiên, một bài báo mới đây đăng trên tạp chí Economist cho rằng, sự lạc quan trước những diễn biến mới này có thể là sai lầm.

(Tiếp theo kỳ trước)

Mỗi quốc gia một khó khăn riêng

Hãy lấy quốc gia mà nhiều người đang hướng sự hy vọng vào đó - nước Mỹ - để làm ví dụ.

Sự điều chỉnh hiện nay của thị trường địa ốc bắt đầu ở nước này sơm hơn ở bất kỳ nơi nào khác. Giá nhà ở Mỹ đạt đỉnh cách đây khoảng 3 năm và hiện đã giảm khoảng 30% so với thời kỳ đó. Sản lượng công nghiệp đang sụt giảm với tốc độ khoảng 20%/năm trong vòng 3 tháng qua. Chính phủ Mỹ được xem là có chính sách kích cầu quyết liệt nhất trong số chính phủ các nước phát triển.

Do quá trình giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ đã kết thúc và các biện pháp kích thích tăng trưởng được thực thi, sự sụt giảm của kinh tế Mỹ chắc chắn đã nhẹ bớt. Với tấm nệm giảm xóc mà Chính phủ Mỹ cung cấp, nền kinh tế nước này có thể bắt đầu sớm tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, hầu như chưa có những yếu tố cho thấy sự tăng trưởng đủ mạnh để ngăn sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp ở nước này.

Sự suy yếu của các thị trường bên ngoài sẽ làm khó hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Các nhà băng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang được trợ lực bằng tiền của Chính phủ, nhưng bảng cân đối kế toán của họ lại đầy những tài sản độc hại. Chi tiêu cá nhân và đầu tư doanh nghiệp sẽ bị kéo xuống thấp hơn do nhu cầu trả nợ và gia tăng các khoản tiết kiệm. Đây sẽ là những tác động tiêu cực kéo dài.

Lượng vay nợ của lĩnh vực tư nhân ở Mỹ, lên tới 70% GDP trong thời gian 2000-2008, mới chỉ bắt đầu quá trình được trả lại. Tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ hiện là 4%, tăng mạnh so với mức gần 0% cách đây chưa lâu, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7% thời sau Chiến tranh Thế giới 2. Tỷ lệ thất nghiệp cao cộng với số vụ vỡ nợ gia tăng có thể dễ dàng dẫn tới một vòng xoáy đi xuống mới trong nền kinh tế Mỹ.

Tại Anh, với quy mô của ngành tài chính, đợt bùng nổ gần đây của thị trường địa ốc, và nợ tiêu dùng ở nước này, sự điều chỉnh kết toán sẽ còn lớn hơn. Sự suy yếu của đồng Bảng sẽ giúp tăng cường xuất khẩu, nhưng với tình hình ngân sách nhiều khó khăn hiện nay, Chính phủ Anh không có nhiều cơ hội để dùng chi tiêu chính phủ như một biện pháp bù đắp cho hoạt động chi tiêu của khu vực tư nhân như ở Mỹ. Nợ chính phủ của Anh hiện đã lên tới mức tương đương 59% GDP và có thể lên tới 79% vào năm 2013-2014.

Về lý thuyết, tình hình ở Đức và Nhật có vẻ sáng sủa hơn. Cả hai nước này đều đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng kinh tế ở tốc độ nhanh hơn các nước giàu khác do sự lao dốc của thương mại và sản xuất công nghiệp, nhưng không nước nào gánh những khoản vay nợ khổng lồ của khu vực tư nhân như ở Anh và Mỹ. Một khi quá trình giảm hàng tồn kho chấm dứt, sự phục hồi sẽ nhanh chóng xảy ra. Nhưng trên thực tế, lý thuyết này khó trở thành hiện thực, nhất là ở Đức. Do sản xuất giảm đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Đức về mức hai con số, sẽ khó có chuyện người tiêu dùng ở nước này sẽ tiếp tục chi tiêu thoải mái.

Trong khi đó, Chính phủ Đức vẫn chưa hề thể hiện quyết tâm kích cầu cao. Gói kích thích tài khoá 50 tỷ Euro của Đức, tuy là lớn ở châu Âu, nhưng có lẽ chưa thấm vào đâu so với những gì mà nền kinh tế này cần. Tệ hơn, các ngân hàng của nước này vẫn đang vật lộn với khủng hoảng. Số liệu mới của IMF dự báo, các ngân hàng của châu Âu đối mặt với khoản thua lỗ 1.100 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng này. Mới đây, Chính phủ Đức đã lên kế hoạch lập nhiều ngân hàng xấu để gom nợ xấu từ các ngân hàng ở nước này. Kế hoạch này được xem là sự khởi đầu cho một quá trình tái cơ cấu sắp xảy ra.

Nhật Bản đã có những hành động cứng rắn hơn. Trong gói cắt giảm thuế và chi tiêu chính phủ mới đây nhất được công bố đầu tháng 4, nước này đã tung ra một chương trình kích thích tài khóa lớn nhất nếu tính theo tỷ lệ so với GDP trong số các kế hoạch kích thích của các nước giàu trong năm nay. Kinh tế Nhật có thể sắp nhích lên, ít nhất là tạm thời, nhưng nợ công của nước này đang tiến sát mức 200% so với GDP. Do đó, Nhật Bản cũng sẽ không còn nhiều cơ hội để tăng cường biện pháp kích thích tài khóa.

Do thị trường xuất khẩu suy yếu, Nhật sẽ sớm cần tới các biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa của khu vực tư nhân. Nhưng những gì diễn trong suốt 2 thập kỷ qua cho thấy, Nhật khó có thể làm được điều này.

Hiện tại, tình hình ở Trung Quốc xem ra sáng hơn cả. Sự điều chỉnh giảm kho hàng tồn của các doanh nghiệp Trung Quốc thời gian qua đã thổi phồng quá mức ảnh hưởng của sự sụt giảm xuất khẩu tới kinh tế nước này. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc có đủ tiền và quyết tâm để kích cầu nội địa. Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đã đem tới kết quả tích cực. Lượng vốn vay đang tăng mạnh và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đang đi lên nhanh chóng. Dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 6,5% năm nay của IMF có thể là thận trọng.

Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng có những khó khăn của họ. Có lẽ 3/4 của tốc độ tăng trưởng này là sản phẩm của nhu cầu của Chính phủ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Những nỗi lo còn kéo dài?

Với tất cả những phân tích trên, sự lạc quan ban đầu sẽ tan đi nhanh chóng. Điều tốt đẹp nhất may chăng chỉ là tốc độ lao dốc của kinh tế thế giới đã đạt đỉnh.

Nhờ lượng tiền khổng lồ được bơm vào nền kinh tế qua các chính sách tài khóa và tiền tệ, sản lượng của kinh tế toàn cầu rốt cục sẽ bình ổn. Nhưng trên nhiều phương diện, những ngày đen tối hơn còn ở phía trước.

Mặc dù quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay đã là rõ, hiện chưa có sự phục hồi kinh tế theo lệ thường nào được nhận thấy trong tầm dự báo. Khi tăng trưởng trở lại, tốc độ tăng trưởng sẽ rất yếu ớt và không đủ để ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp và công suất dư thừa gia tăng. Trong nhiều năm tới, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào chính phủ.

Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào? Nhiều nước giàu sẽ có tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức hai con số và sẽ duy trì ở mức đó trong một thời gian dài. Giảm phát, một căn bệnh đáng sợ ở những quốc gia nặng nợ, có thể bắt đầu quá trình hoành hành, khi mà sự đình trệ tăng trưởng đẩy giá cả và tiền lương đi xuống, đặc biệt khi lạm phát toàn phần (headline inflation) trong nền kinh tế đã giảm mạnh nhờ giá nhiên liệu giảm. Nợ công sẽ tăng vọt do tăng trưởng yếu, những nỗ lực kích thích tăng trưởng kéo dài và chi phí gia tăng cho việc dọn dẹp đống đổ nát tài chính.

Các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) bắt đầu đi vào cuộc khủng hoảng này với những “kho nợ” khổng lồ, bình quân lên tới 75% so với GDP. Tới năm 2010, tỷ lệ này sẽ lên tới 100%.

Một phân tích cho thấy, tình hình tăng trưởng yếu kém kéo dài có thể đẩy tỷ lệ nợ so với GDP của những nền kinh tế lớn nhất lên tới mức 140% vào năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp cao tiếp diễn, hoạt động đầu tư suy yếu và nợ công cao trong nhiều năm ròng rốt cục sẽ làm sứt mẻ tiềm năng tăng trưởng của một quốc gia. Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế thế giới sẽ sớm trở lại với tăng trưởng, rõ ràng là một khi trở lại, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn so với trước khi khủng hoảng xảy ra.

Trong thời gian trước mắt, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với sự kỳ vọng giảm sút và những nỗi lo ngại kéo dài. Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải chèo lái nền kinh tế mối đe dọa thiểu phát hiển hiện, đồng thời phải đối mặt với tâm trạng lo sợ có lý của các nhà đầu tư về tình trạng nợ công leo thang và chính sách tiền tệ nới lỏng rốt cục có thể dẫn tới tỷ lệ lạm phát cao. Đó sẽ là một tình trạng hiếm gặp trong nền kinh tế toàn cầu, với tỷ lệ vay nợ của các chính phủ lên tới những con số chưa từng xuất hiện kể từ Thế chiến thứ 2.

Vậy thế giới sẽ phải giải quyết những rủi ro này như thế nào? Chắc chắn là không phải bằng cách bấu víu vào những thông tin kinh tế có vẻ như khả quan. Nếu làm vậy, sẽ dẫn tới rủi ro là các chính phủ hành động chống suy thoái kém quyết liệt hơn. Chẳng hạn, việc chống giảm phát sẽ cần tới nhiều hơn những biện pháp “lạ” từ các ngân hàng trung ương, áp dụng trong một khoảng thời gian dài hơn so với những gì mà nhiều người dự báo hiện nay.

Những cơ quan chức năng với phản ứng chậm chạp, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện nay sẽ chẳng đem tới lợi ích gì cho chính họ và cả thế giới nếu như tiếp tục ghìm giữ như vậy. Các chính phủ cũng không nên nhanh chóng tìm cách cắt giảm các biện pháp kích thích tài khóa. Nếu so với những biện pháp kích thích tài khóa tạm thời, tình trạng tăng trưởng yếu ớt kéo dài sẽ gây ra những tổn thất lớn hơn nhiều đối với nền tài chính công.

Nhật Bản đã hoãn lại hoạt động cải cách hệ thống ngân hàng của nước này. Những quốc gia đối mặt với sự điều chỉnh kết toán lớn cần lưu ý bài học này và tiếp tục thúc đẩy hoạt động cải cách, đặc biệt cần nỗ lực nhiều hơn để thanh lọc và tái cấu trúc hệ thống nhà băng. Các nước có thặng dư ngân sách thì cần khuyến khích khu vực tư nhân chi tiêu mạnh mẽ hơn ở thị trường nội đia. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa hành động nhiều để tăng cường thu nhập và chi tiêu của người dân thông qua thúc đẩy cải cách, như việc mở rộng mạng lưới bảo hiểm chăm sóc sức khỏe…

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần tạo cơ hội cho chính họ có thể thay đổi những gì có thể xảy ra trong tương lai. Các ngân hàng Trung ương nên đưa ra những quy định cho “lối thoát” khỏi các dạng chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ hiện nay.

Việc này có thể đòi hỏi những công cụ mới: chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cần phát hành trái phiếu để hút bớt thanh khoản khỏi thị trường. Tất cả các chính phủ, đặc biệt những chính phủ có mức nợ công cao nhất, nên có những cách nghĩ táo bạo để giảm tỷ lệ nợ trong trung hạn, nhưng phải bằng những con đường không gây tác động hạn chế tới nhu cầu còn yếu của khu vực kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, thay vì tăng thuế, các chính phủ có thể nghĩ tới những biện pháp như tăng tuổi nghỉ hưu nhằm hạn chế chi phí y tế và giữ số người phải đóng thuế ở mức cao.

(Theo Economist)