10:07 27/04/2009

Thận trọng với “tín hiệu” phục hồi: Hai cái bẫy

Kiều Oanh

Sự lạc quan trước những tín hiệu tích cực gần đây của kinh tế thế giới có thể là một sai lầm nguy hiểm

Bản thân niềm lạc quan và tin tưởng cho rằng kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi đang mang trong mình hai cái bẫy nguy hiểm.
Bản thân niềm lạc quan và tin tưởng cho rằng kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi đang mang trong mình hai cái bẫy nguy hiểm.
Thời gian gần đây, kinh tế thế giới phát đi một số tín hiệu tích cực, khiến không ít người tin rằng, quá trình phục hồi tăng trưởng đã bắt đầu. Tuy nhiên, một bài báo mới đây đăng trên tạp chí Economist cho rằng, sự lạc quan trước những diễn biến mới này có thể là sai lầm.

Mấy tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới phục hồi mạnh. 2/3 trong số 42 thị trường chứng khoán mà Economist theo dõi đã tăng điểm hơn 20% trong vòng 6 tuần trở lại đây.

Những chỉ số kinh tế từ nhiều khu vực trên thế giới cũng sáng lên: kinh tế Trung Quốc ấm lại, hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu giảm chậm hơn, thị trường nhà đất ở Mỹ và Anh đã có tín hiệu của sự sống nhờ lãi suất cho vay cầm cố giảm và giá nhà rẻ. Niềm tin tại nhiều thị trường khởi sắc.

Hai cái bẫy

Tất cả những thông tin trên đều được thế giới nhiệt liệt chào đón, nhất là khi xét tới thực tế rằng, cuộc khủng hoảng này đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự hoảng sợ và tuyệt vọng. Khi hệ thống tài chính của thế giới bị đẩy tới bờ vực sụp đổ vào tháng 9/2008, các nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi hầu hết các kênh đầu tư, trừ các loại tài sản an toàn. Người tiêu dùng cũng thắt chặt hầu bao, trong khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa.

Rất có thể, tiếp theo sự sụt giảm sâu này sẽ là một thời kỳ phục hồi, nơi những bánh xe tài chính lại lăn, người tiêu dùng lại mở ví, và những công ty tham vọng sẽ chuyển từ găm giữ tiền mặt sang săn tìm lợi nhuận.

Mặc dù vậy, các chuyên gia thận trọng nhận định, bản thân niềm lạc quan và tin tưởng cho rằng kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi đang mang trong mình hai cái bẫy nguy hiểm.

Thứ nhất, sự tin tưởng này đã nhầm sự sụt giảm tăng trưởng đang giảm tốc với sự bắt đầu một quá trình phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ. Thứ hai, sự tin tưởng này có thể tạo ra sự tự mãn nguy hiểm, đặc biệt với các nhà làm chính sách. Nếu các chính phủ cho là kinh tế đã ấm lại và ngừng lại hoặc giảm bớt những biện pháp kích thích tăng trưởng, rủi ro sụt giảm sâu hơn của kinh tế thế giới là rất lớn.

Thường thì thị trường chứng khoán hay hồi phục trước khi kinh tế được cải thiện, do các nhà đầu tư dự đoán về những khoản lớn nhuận béo bở trước khi các nhà thống kê công bố số liệu về sự chuyển biến tình hình. Tuy nhiên, nhiều đợt phục hồi trong lịch sử của thị trường chứng khoán thế giới đã chẳng minh chứng được điều gì.

Như từ năm 1929-1932, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ có 4 đợt tăng điểm trên 20%, nhưng rốt cục chỉ để lao dốc trở lại. Trong lần khủng hoảng hiện nay, đã có 5 đợt phục hồi của chỉ số này với mức tăng 10% mỗi đợt, nhưng nhanh chóng được nối tiếp bằng những đợt sụt giảm.

Các con số thống kê cũng chưa chắc đã chứng minh được điều gì. Trong 6 tháng qua, thế giới đã chứng kiến nhiều đợt sụt giảm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với những nguyên nhân khác nhau. Sự lao dốc của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với tốc độ nhanh hơn tốc độ sụt giảm của nhu cầu thị trường, một phần là kết quả của việc các công ty giảm sản xuất để cắt giảm lượng hàng tồn kho khổng lồ. Sau khi đã giảm bớt hàng tồn kho, các công ty sẽ sản xuất trở lại, và sản xuất công nghiệp sẽ qua thời kỳ tồi tệ nhất.

Hai sự sụt giảm đáng ngại

Thậm chí cả khi thời điểm đó đã tới, sự sụt giảm ở hai khu vực khác cũng có thể khiến kinh tế thế giới phải vật lộn lâu hơn.

Trong đó, đáng ngại nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng và lượng nợ xấu khổng lồ ở những nền kinh tế vừa kết thúc tình trạng bong bóng, đặc biệt là Anh và Mỹ. Nhu cầu hàng hóa ở những thị trường này đã sụt giảm mạnh do tín dụng thắt chặt. Giá nhà lao dốc khiến những người dân vay nợ thái quá gặp khó và buộc họ phải tiết kiệm nhiều hơn.

Lịch sử cho thấy, những cuộc suy thoái kết toán (balance-sheet recession) kiểu này sẽ kéo dài và sự phục hồi sau đó sẽ diễn ra chậm chạp (suy thoái kết toán là một hiện tượng hiếm gặp, trong đó đa số các công ty trong một nền kinh tế phải dành hầu hết tài nguyên của mình để thanh toán nợ nần ngay cả khi lãi suất gần bằng 0).

Sự sụt giảm thứ hai diễn ra ở các nền kinh tế đang nổi lên, nơi chịu tác động mạnh bởi sự sụt giảm bất ngờ của những dòng vốn tư nhân xuyên biên giới do tác động của khủng hoảng.

Những nền kinh tế này có lượng vốn ngoại chảy vào tương đương 5% GDP trong năm 2007. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng, doanh nghiệp và chính phủ của các nền kinh tế đang nổi có lượng nợ tới hạn phải trả lên tới 1.800 tỷ USD trong năm nay, phần nhiều trong số này tập trung ở khu vực Trung và Đông Âu. Trong trường hợp các nền kinh tế này tránh được một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện, niềm tin của các nhà đầu tư có lẽ phải mất hàng năm trời mới phục hồi.

Những cuộc khủng hoảng này đã đẩy kinh tế thế giới vào một thời kỳ trượt dốc mà trên nhiều phương diện còn nghiên trọng hơn cả Đại suy thoái của những năm 1930. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới đây nhất, IMF dự báo GDP toàn cầu giảm 1,3% trong năm nay, đánh dấu năm đầu tiên đi xuống trong 60 năm qua.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này đã vấp phải những phản ứng chính sách mạnh chưa từng có trong lịch sử. Các ngân hàng trung ương đã bơm hàng ngàn tỷ USD thanh khoản vào thị trường và sử dụng tới hàng loạt những biện pháp “vô tiền khoáng hậu” để phá băng thị trường tín dụng, đồng thời nới lỏng các điều kiện tiền tệ, thậm chí giảm lãi suất về sát 0%.

Ngoài ra, các chính phủ còn nỗ lực hết sức để ngăn sự đổ vỡ của các ngân hàng, với hàng ngàn tỷ USD nữa được tung ra. IMF được tăng cường vốn để cho vay khẩn cấp. Các nền kinh tế lớn đều tung ra những gói kích thích tài khóa lớn để kéo tăng trưởng lên. Thâm hụt ngân sách bình quân của các nước giàu vì thế sẽ đạt khoảng 9% so với GDP, cao gấp 6 lần trước khi xảy ra khủng hoảng.

Chắc chắn, tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng này sẽ là cực lớn nếu các chính phủ khoanh tay đứng nhìn. Tuy nhiên, do những nỗ lực chống khủng hoảng ở quy mô hiện nay là chưa từng có bao giờ, nên không ai biết chắc khi nào những nỗ lực đó mới phát huy tác dụng và sự khác biệt sẽ là như thế nào.

Tuy nhiên, cho dù tác động của các biện pháp chống khủng hoảng có ra sao, sẽ là sai nếu nhầm tưởng giữa những “cơn co giật” của một nền kinh tế như một cơ thể đang sống bằng máy trợ lực với một đợt phục hồi kéo dài. Sự phục hồi thực sự phụ thuộc vào nhu cầu của chính phủ được hỗ trợ bởi những nguồn chi tiêu bền vững của khu vực tư nhân.Trong khi đó, ở lĩnh vực này, hầu hết mọi tin tức đều u ám.

----------

Trong thời gian trước mắt, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với sự kỳ vọng giảm sút và những nỗi lo ngại kéo dài, nhưng việc giải quyết những rủi ro đó chắc chắn không phải bằng cách bấu víu vào những thông tin kinh tế có vẻ như khả quan.
..

Kỳ 2: Vai trò chính phủ

(Theo Economist)