09:09 08/07/2022

Thanh Hóa 6 tháng đầu năm điều tra, khởi tố 513 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm

Thiên Anh

Trong 6 đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nhiều kết quả khả quan.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa

Về công tác chống buôn lậu, hàng cấm, lực lượng chức năng các cấp đã xử lý 813 vụ, trong đó chuyển khởi tố 513 vụ, xử lý vi phạm hành chính 300 vụ, phạt tiền vi phạm hành chính 2.495 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: 650,12g heroin, 183.514 viên và 1,153g ma túy tổng hợp, 542,3g thuốc phiện, 52kg quả thuốc phiện, 9,44 kg thuốc nổ và một số mặt hàng cấm, hàng lậu gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội, tính mạng và sức khỏe của Nhân dân như: Kit test Covid-19, đồ chơi kích động bạo lực, đồ chơi trẻ em, giày, dép, túi xách, hóa mỹ phẩm, sữa, phụ kiện điện thoại, hàng điện máy, hàng gia dụng, phân bón giả…

Trong công tác chống gian lận thương mại, lực lượng chức năng các cấp đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tại các địa bàn trọng điểm, các siêu thị, trung tâm thương mại. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gian lận thương mại; đã xử lý 1.145 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính 21,86 tỷ đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hoạt động kinh doanh trên các ứng dụng thương mại điện tử không đúng quy định, hàng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, vi phạm về giá trong kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và các điều kiện hoạt động trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật…

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa (Ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa (Ảnh minh họa)

Công tác chống sản xuất, kinh doanh hàng giả lực lượng chức năng các cấp tập trung kiểm tra các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; đã xử lý 44 vụ, phạt vi phạm hành chính 282 triệu đồng.

Về công tác kiểm tra về giá, chống đầu cơ, găm hàng các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác dự báo tình hình và theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, đặc biệt tiến hành khảo sát giá đối với nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược. Theo đó, đã phát hiện, xử lý 147 vụ vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, phạt tiền vi phạm hành chính 214 triệu đồng.

Công tác kiểm soát xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được tăng cường; đã xử lý 42 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phạt vi phạm hành chính 415 triệu đồng.

Đánh giá về các hoạt động của mình, Ban chỉ đạo 389 cho rằng bên cạnh những thành tích đã đạt được công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thường xuyên; ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn hạn chế, thói quen “sính ngoại” của người tiêu dùng vẫn còn.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa đạt hiệu quả cao. Một số văn bản pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; lực lượng làm nhiệm vụ còn thiếu phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ kiểm tra, và vì kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên chưa tập trung theo chiều sâu, nhất là với hoạt động kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử…

Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Cùng với công tác lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất, tỉnh Thanh Hóa luôn đặc biệt chú trọng đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, coi đây là giải pháp quan trọng làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chân chính phát triển.

Để tiếp tục bình ổn thị trường, bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành thành viên chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng và triển khai các kế hoạch thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó tập trung vào công tác đấu tranh các mặt hàng trọng điểm như xăng, dầu, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đấu tranh quyết liệt với hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.