12:00 18/07/2024

Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát thì gỡ các "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng đã giúp tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm nay...

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kiểm tra tình hình thi công một số dự án tại thị xã Nghi Sơn
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kiểm tra tình hình thi công một số dự án tại thị xã Nghi Sơn

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được gần 6.356 tỷ đồng, đạt gần 54% tổng kế hoạch vốn, đạt gần 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với tỷ lệ giải ngân đạt cao đã đưa Thanh Hóa đứng ở vị trí dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. 

Trong số 35 chủ đầu tư, địa phương tại tỉnh này, hiện có 7 chủ đầu tư, địa phương giải ngân đạt 100% hoặc xấp xỉ đạt 100% kế hoạch vốn; có 50 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (chiếm 20,9% tổng số dự án), với số vốn là trên 398 tỷ đồng.

Trong đó, có 3 chủ đầu tư, địa phương giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Ngoài ra, có 50 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch, chiếm 20,9% tổng số dự án, với số vốn hơn 398 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mới giải ngân được 4,7% kế hoạch vốn được giao; tiếp đến là thị xã Nghi Sơn đạt 14,6%; huyện Ngọc Lặc đạt 15,7%; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đạt 15,8%, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đạt 17,4%…

Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Để phát huy "phong độ" trên ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024. Tại chỉ thị, tỉnh Thanh Hóa đưa ra các mốc thời gian cụ thể cho việc giải ngân của tỉnh để các chủ đầu tư phấn đấu hoàn thành. Bên cạnh đó, tỉnh này đã thành lập 5 tổ công tác cấp tỉnh và đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải quyết các “nút thắt” trong việc giải phóng mặt bằng, với giải pháp tăng cường đối thoại với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết phản ánh, kiến nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh này đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc di dời, tái định cư, trả lại quỹ đất sạch cho các dự án, công trình sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng, mang lại lợi ích to lớn cho địa phương.

Như năm 2023, diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt của toàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 2.286 ha, tỷ lệ đạt 96,49% so với kế hoạch gấp 1,47 lần so với năm 2022, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay của tỉnh này.

Còn theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính từ đầu năm nay đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện giải phóng mặt bằng được 1.5827 ha, bằng 73,04% kế hoạch, gấp 1,51 lần so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư công Thanh Hóa đã giải phóng mặt bằng được 626 ha, bằng 59,28% kế hoạch; dự án đầu tư của doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng được 956,7 ha, bằng 86,12% kế hoạch.