Thanh Hoá đạt nhiều thành quả trong chuyển đổi số
Nhiều năm qua, Thanh Hoá bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên, thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng...
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá, trong năm 2024, Thanh Hóa đã đầu tư, xây dựng mới 366 trạm, cột thu, phát sóng thông tin di động, nâng tổng số trạm phát sóng thông tin di động toàn tỉnh Thanh Hoá lên 9.433 trạm.
Mạng thông tin di động đã phủ sóng đến 4.342/4.357 thôn, bản, đạt 99,66%. Toàn tỉnh này có gần 2,7 triệu thuê bao Internet, đạt mật độ 73,3 thuê bao/100 dân…
Cùng với đó, nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tại Thanh Hoá tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản điện tử hơn 4 triệu lượt, tỉ lệ ký số đạt hơn 98%.
Cổng dịch vụ công của tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp 720 dịch vụ công trực tuyến một phần và 982 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,51%, đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.711 dịch vụ công trực tuyến.
Phần mềm phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý 320 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; trong đó có 93% số phản ánh, kiến nghị đã được các cơ quan, đơn vị giải quyết, công khai trả lời đúng hạn.
Kinh tế số tại tỉnh này tiếp tục phát triển, 100% doanh nghiệp tại Thanh Hoá đã được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có 5.550 doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số theo quy định, bằng 29,65% tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế, tăng 3,85% so với năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá đã thành lập mới 8 doanh nghiệp công nghệ số, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn lên 337 doanh nghiệp, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thương nhân kinh doanh xăng dầu và 80% trung tâm thương mại, siêu thị đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Thêm nữa, trên lĩnh vực xã hội số tại tỉnh này cũng có chuyển biến tích cực, các địa phương triển khai nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình "3 không" tại 326/558 xã, phường, thị trấn.
Thanh Hoá đã thực hiện làm sạch dữ liệu, chuẩn hóa thông tin của 63.005 người có công, 35.320 hộ nghèo, 55.797 hộ cận nghèo, 947.613 trẻ em, hơn 3,2 triệu hồ sơ cá nhân người tham gia bảo hiểm xã hội, hơn 2,3 triệu mã số thuế cá nhân.
Tại Thanh Hoá, 100% bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, 669/669 cơ sở y tế triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh; 42 cơ sở y tế thực hiện liên thông giấy khám sức khỏe cho lái xe, 57 cơ sở y tế liên thông giấy chứng sinh, 17 cơ sở y tế liên thông giấy chứng tử…
Theo đại diện UBND tỉnh Thanh Hoá, số hóa là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Địa phương này cũng rất chú trọng đến việc tuyên truyền về chuyển đổi số để thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, qua đó làm thay đổi hành vi, thói quen, chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số... góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.