Thanh Hóa giải ngân hơn 460 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng tại 5 huyện biên giới
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới của tỉnh Thanh Hóa là rất lớn do điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng với đó địa hình khu vực biên giới tại tỉnh này tương đối phức tạp, độ dốc cao, thường bị sạt lở vào mùa mưa gây nhiều khó khăn cho việc đầu tư và xây dựng...
Theo thông tin tổng hợp từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2023, Thanh Hóa với tổng kế hoạch vốn đầu tư đã bố trí cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn 5 huyện biên giới của tỉnh là gần 884 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) là hơn 706 tỷ đồng, thực hiện đầu tư một số dự án quan trọng như: Đường giao thông từ thôn Chiềng đi thôn Phống, Dưn, xã Bát Mọt đến thôn Mỵ xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân là 18,9 tỷ đồng; Đường giao thông từ bản Vần, bản Peo, bản Vặn, xã Yên Thắng đi bản Chiềng Nưa, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh là 13 tỷ triệu đồng; Đường từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn là hơn 7,7 tỷ đồng.
Cùng với đó là nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã Tam Lư - Tam Thanh, huyện Quan Sơn hơn 8,9 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối Quốc lộ 217 đi Đồn Biên phòng Mường Mìn, huyện Quan Sơn là 9 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Sơn Thủy - Na Mèo, huyện Quan Sơn với 4,5 tỷ đồng; Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ thị trấn đi bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát với 10,6 tỷ đồng,… Đến nay, giá trị giải ngân được hơn 331 tỷ đồng, đạt 46,9% kế hoạch vốn.
Tiếp đến, vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa là hơn 177 tỷ đồng, thực hiện các dự án như: Khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại Bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát là 6,3 tỷ đồng; Nâng cấp tuyến đường giao thông từ bản Nà Ón đi bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát là 12,8 tỷ đồng; Đường giao thông từ bản Thủy Thành đi bản Khà - bản Mùa Xuân xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn là 500 triệu đồng; Sắp xếp, ổn định dân cư tại Khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn là 5,4 tỷ đồng; Cầu cứng bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn là 500 triệu đồng; Công sở xã Tam Chung với 1 tỷ đồng; Trụ sở xã Bát Mọt là 76 triệu đồng;…Đến nay, giá trị giải ngân được là hơn 132 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại xã biên giới là rất lớn do các xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa đều thuộc các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình khu vực biên giới tương đối phức tạp, độ dốc cao, thường bị sạt lở vào mùa mưa; gây nhiều khó khăn cho việc đầu tư và xây dựng; trong khi, nguồn lực ngân sách trung ương và ngân sách địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cùng với việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai các giải pháp nhằm phát triển thương mại qua biên giới.
Thanh Hóa có 3 cửa khẩu đất liền là Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát), Cửa khẩu Khẹo (Thường Xuân), giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong đó, Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo kết nối giao thương với huyện Nậm Xôi, tỉnh Hủa Phăn, được đánh giá là khu vực biên giới có hoạt động thương mại sầm uất.
Hiện nay, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã được tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi về thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước khu vực biên giới đã xây dựng, cải tạo một số tuyến đường, như: Đường tuần tra biên giới; đường thị trấn Mường Lát - Đồn Biên phòng 483 - mốc quốc giới G3, thúc đẩy giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng, như: sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản. Theo thống kê, 9 tháng năm 2023, tổng số hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đạt trên 68.000 tấn, nhập khẩu 24.832 tấn, hàng tạm nhập tái xuất 4.065 tấn, hàng hóa quá cảnh 10.436 tấn, tổng giá trị ước đạt 20.351 USD.