Thanh Hóa lập nhiều tổ công tác giải quyết vấn đề “nóng” giải ngân vốn đầu tư công
Các tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, đôn đốc và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Ngày 6/4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
5 tổ công tác được thành lập do ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và 4 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Văn Thi; ông Mai Xuân Liêm; ông Lê Đức Giang; ông Đầu Thanh Tùng làm Tổ trưởng.
Các Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 do tỉnh quản lý, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2023.
Tiếp đến, Tổ công tác sẽ chủ động làm việc với từng chủ đầu tư, đơn vị có liên quan để nắm bắt tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình MTQG; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của các dự án do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Tổ công tác chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Tổ trưởng phân công. Cơ quan có thành viên là Tổ phó Tổ công tác, có trách nhiệm tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác điều phối, triển khai hoạt động của Tổ công tác; định kỳ ngày 25 hằng tháng tổng hợp chung về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án và đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo Tổ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Tham mưu cho Tổ trưởng tổ chức các hội nghị giao ban, hội nghị chuyên đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là trên 12.505 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là trên 8.805 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là gần 3.700 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, tỉnh Thanh Hoá đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết trên 10.335 tỷ đồng, bằng 82,6% kế hoạch.
Tính đến cuối tháng 3/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thanh Hoá ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, bằng 11,6% kế hoạch, nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành chỉ thị số 04 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung chỉ thị, trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đối diện với khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thì việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, để thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023) đòi hỏi tinh thần làm việc nghiêm túc, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa và các chủ đầu tư.
Theo chỉ thị, các dự án phải hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (nếu có) trước ngày 30/11/2023. Các mốc thời gian giải ngân vốn cụ thể của từng loại dự án.