15:06 11/02/2024

Thanh Hóa rà soát các chủ đầu tư cụm công nghiệp thiếu năng lực "giữ đất"

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp...

Sau 4 năm được phê duyệt, Dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vẫn chỉ là một bãi đất trống được quây tôn
Sau 4 năm được phê duyệt, Dự án Cụm công nghiệp Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vẫn chỉ là một bãi đất trống được quây tôn

Hiện nay, tiến độ đầu tư hạ tầng các công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa còn rất chậm và thiếu đồng bộ. Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua vấn đề "nóng" này đưa đưa ra thảo luận. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 02/02/2024 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

RÚT NGẮN TỐI THIỂU 30% THỜI GIAN THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành thành viên Hội đồng đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất bổ sung các tiêu chí đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đảm bảo chặt chẽ, nâng cao tính hiệu quả trong việc lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của các ngành thành viên hội đồng, nếu phát hiện nhà đầu tư thiếu năng lực, đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp với mục đích “giữ đất” để chuyển nhượng dự án thì báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa xử lý, thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện theo đúng tiến độ của từng cụm công nghiệp đã được thành lập. Tổng hợp báo cáo của các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và các chủ đầu tư, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ trước ngày 25 hàng tháng. Sở Công Thương sẽ chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét để kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Thực hiện báo cáo định kỳ gửi về Sở Công Thương trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm trong đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ từng tuần, từng tháng, đảm bảo tính khả thi. Chủ đầu tư bố trí đủ các nguồn lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ được phê duyệt. Chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp đảm bảo đúng quy định; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

ĐẢM BẢO SỬ DỤNG ĐẤT TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ

Về rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã cho phù hợp với với quy hoạch tỉnh và Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khẩn trương lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch không đồng bộ, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh.

Dự án cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc sau 4 năm triển khai, dự án vẫn chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra hạn 3 lần, đến lần thứ 4 chủ đầu tư khẳng định không có khả năng để thực hiện. UBND huyện Ngọc Lặc đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa dừng đầu tư cụm công nghiệp này.
Dự án cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc sau 4 năm triển khai, dự án vẫn chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra hạn 3 lần, đến lần thứ 4 chủ đầu tư khẳng định không có khả năng để thực hiện. UBND huyện Ngọc Lặc đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa dừng đầu tư cụm công nghiệp này.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, ưu tiên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các cụm công nghiệp, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, làm cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất cho một số cụm công nghiệp đã được thành lập nhưng chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Trong đó, có cụm công nghiệp Cầu Quan, huyện Nông Cống; cụm công nghiệp Dân lý, Dân Lực, Dân Quyền, huyện Triệu Sơn; cụm công nghiệp phía Tây Nam thành phố Thanh Hóa….

Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các địa phương tăng cường phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, chủ trì thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa để trình cấp thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ cho các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hướng dẫn, thực hiện trình tự, thủ tục hồ sơ, tổ chức thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh để trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập.

Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có ý kiến thống nhất chuyển giao diện tích đất trồng cây cao su để thực hiện các thủ tục giải phóng mặt mặt dự án cụm công nghiệp Thạch Bình, huyện Thạch Thành.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Tiếp đến, về xác định giá đất cụ thể làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất; thực hiện xác định giá đất cụ thể cho từng cụm công nghiệp, trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo quy định.

Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo đúng tiến độ của cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. 

Về giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, đấu nối hạ tầng kỹ thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát sự phù hợp giữa quy hoạch chi tiết 1/500 của cụm công nghiệp với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; khẩn trương thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các cụm công nghiệp theo thẩm quyền.

 Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, vấn đề tiến độ đầu tư hạ tầng các công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa chậm và thiếu đồng bộ làm "nóng" nghị trường.
 Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, vấn đề tiến độ đầu tư hạ tầng các công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa chậm và thiếu đồng bộ làm "nóng" nghị trường.

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 CCN đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình duyệt theo quy định; tập trung hỗ trợ, giải quyết các thủ tục về đầu tư khai thác nước mặt hoặc nước ngầm theo thẩm quyền.

Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công dự án theo quy định. Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị theo quy định.

Công ty Điện lực Thanh Hóa hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền thỏa thuận đấu nối điện; đáp ứng đủ nhu cầu cấp điện cho cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động. Các địa phương phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp làm việc với chủ đầu tư các dự án cấp nước trên địa bàn để thỏa thuận cấp đủ nước cho cụm công nghiệp.

Theo quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh Thanh có 115 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 45 cụm công nghiệp đã được thành lập (có nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích 1.675,94 ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án là 11.934 tỷ đồng.