Thanh Hóa thu ngân sách hơn 700 tỷ đồng từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản
Năm 2023, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nộp ngân sách nhà nước gần 510 tỷ đồng. Địa phương này cũng thu thuế xuất khẩu được hơn 190 tỷ đồng từ các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản...
Năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch đấu giá, phương án đấu giá và đấu giá thành công đối với 45 mỏ khoáng sản, trong đó, có 22 mỏ đất san lấp, 21 mỏ đá, 1 mỏ than và 1 mỏ cát. Trong năm, tỉnh này cũng cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng đối với 9 mỏ; cấp 11 giấy phép khai thác khoáng sản.
Năm 2023, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nộp ngân sách nhà nước 509,9 tỷ đồng, bao gồm: tiền cấp quyền khai thác 151,1 tỷ đồng; thuế tài nguyên 215 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 11,1 tỷ đồng; phí bảo vệ môi trường 119,7 tỷ đồng; ký quỹ môi trường 13 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn Thanh Hóa đã thực hiện chế biến, xuất khẩu các loại khoáng sản với khối lượng 2,14 triệu tấn đá vôi, 62.105 tấn đá xây dựng, 4,1 triệu tấn xi măng, 400.709 tấn clinke, 6.407 tấn bột đá trắng…nộp thuế xuất khẩu 190,697 tỷ đồng.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này 100% cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, 80% cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có hợp đồng thu gom, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng xử lý.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý tại Thanh Hóa chú trọng thực hiện rà soát các mỏ hết hạn, yêu cầu các đơn vị làm thủ tục đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường. Trong năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định đóng cửa 37 mỏ khoáng sản sau khi các đơn vị hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản, được các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng cường, nhất là hoạt động kinh doanh, lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với 26 đơn vị; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa; 4 cuộc kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân về tình hình hoạt động khoáng sản. Các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với 109 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 8,4 tỷ đồng.
Năm 2023, hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn như các mỏ đấu giá xong tại chưa được cấp phép khai thác do phải thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép theo quy định mất nhiều thời gian, cộng với công suất khai thác của tại các mỏ được cấp nhỏ, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu san lấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh này.
Vì vậy, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, để đáp ứng kịp thời về nguồn cung vật liệu san lấp trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chấp thuận các dự án đã trúng đấu giá, đồng thời chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn các thủ tục hành chính để sớm cấp phép khai thác đưa các mỏ sớm vào hoạt động.