Thanh khoản hệ thống vẫn ổn định sau tin nới room
Thanh khoản ở hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn quãng thời gian trước rất nhiều. Thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất ngân hàng không có nhiều biến động, vẫn duy trì kỳ hạn qua đêm ở vùng 5,4%/năm...
Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm qua (6/12), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng chỉ nhích tăng 0,05 – 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống.
Cụ thể, các mức lãi suất liên ngân hàng đang dừng ở mức: qua đếm 5,42%; 1 tuần 6,47%; 2 tuần 6,88% và 1 tháng 7,83%.
Diễn biến trên thị trường mở cũng không có nhiều biến động khi nhà điều hành tiền tệ chỉ phải bơm ròng khoảng 37 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm và có 11.352 tỷ đồng trúng thầu. Trái lại, kênh cầm cố có 11.325 tỷ đồng đáo hạn và Ngân hàng Nhà nước không chào thầu thêm tín phiếu.
Như vậy, thanh khoản hệ thống vẫn ổn định và tự cân đối. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố và tín phiếu không đổi, lần lượt duy trì ở mức 77.415 tỷ đồng và gần 40.000 tỷ đồng.
Việc thanh khoản ổn định là một điểm sáng. Bởi lẽ, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tương đương tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối 2021 và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Giới chuyên môn nhìn nhận, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố. Đầu tiên, sau đợt tăng lãi suất huy động “nóng”, mặt bằng lãi suất đã cao hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này khiến người dân quay trở lại gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Tính đến cuối tháng 9/2022, tiền gửi của cư dân tại cá tổ chức tín dụng đã đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 6,38% so với đầu năm.
Tiếp đến, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho toàn hệ thống, tuy nhiên việc cấp phát room mới đến từng tổ chức tín dụng chưa hoàn thành. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn. Theo đó, áp lực thanh khoản đối với toàn hệ thống vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước vẫn khá đều đặn bơm tiền VND ra thị trường thông qua hoạt động mua vào ngoại tệ. Nếu trong hai đợt tháng 10 và tuần thứ hai tháng 11 vừa qua, cơ quan này chỉ mua khoảng 100 triệu USD, thì đợt chào mua cuối tháng 11 đã được nâng lên tối đa 150 triệu USD.
Mặt khác, theo Công ty Chứng khoán SSI, tình hình thanh khoản trên hệ thống đã có tín hiệu dịu lại nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt cũng như các doanh nghiệp phát hành đã phần nào giải quyết tạm thời các vấn đề liên quan đến việc gia hạn/giãn/cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại SSI cũng lưu ý: “Áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm”.