11:33 01/06/2007

Thành lập đoàn công tác giải quyết sự cố "khai thác" cáp quang biển

Tinh thần của Thủ tướng là cần có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tuyến cáp còn lại

Một tàu "khai thác" cáp quang biển.
Một tàu "khai thác" cáp quang biển.
Ngày 30/5, đại diện Văn phòng Chính phủ thừa lệnh Thủ tướng đã có cuộc làm việc khẩn với Bộ Bưu chính Viễn thông về vấn đề an ninh các tuyến cáp viễn thông trên biển.

>> Theo dòng sự kiện


Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đã trực tiếp chỉ đạo thành lập 2 đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương để sự lý sự cố... Theo Bộ Bưu chính Viễn thông thì việc bảo vệ tuyến cáp viễn thông còn lại được đặt ở cấp độ cao nhất với yêu cầu: an toàn tuyệt đối.

Diễn biến phức tạp

Trong ngày 30/5, Bộ Bưu chính Viễn thông tiếp tục nhận được những thông tin bất lợi từ các cơ quan chức năng. Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục bắt giữ 1 tàu cá do ông Trần Văn H. làm chủ tàu, thu giữ hơn 40 tấn cáp quang.

Trong khi đó, theo thông tin ban đầu phát đi từ Tập đoàn Singapore Telecom (ST) thì hiện tuyến cáp APCN và APCN2 do ST và các nhà đầu tư, khai thác khác (thuộc phạm vi cấp phép của Việt Nam) cũng được xác định là đã bị cắt đứt. Nhiều đối tác có 4 tuyến cáp viễn thông còn lại đi qua hải phận Việt Nam là tuyến APC, FLAG, EAC2 và C2C cũng cho rằng nhiều khả năng tuyến cáp của họ đã bị xâm phạm, hoặc có nguy cơ bị xâm phạm.

Trong khi đó cho đến nay, theo Công ty Viễn thông Quốc tế VTI thì họ đã "may mắn" khi thuyết phục được các đối tác không bỏ rơi tuyến cáp TVH. Đại diện VTI cho biết, trước đó tàu sửa chữa đã đến hiện trường, song khi xác định sự cố của tuyến TVH là rất nghiêm trọng nên tàu đã quay về; các đối tác định huỷ bỏ kế hoạch sửa chữa.

Tuy nhiên, theo VTI thì việc khắc phục sự cố là rất khó khăn, bởi tại các vùng biển này đã bắt đầu mùa mưa bão. Đặc biệt, theo sau đó là hàng loạt vấn đề như thuê tàu sửa chữa, cấp phép hải phận, thực hiện sửa chữa... Dù dự kiến là sau 3 tháng mới có thể hoàn thành việc khắc phục sự cố, song trên thực tế thì VTI và các đối tác lo ngại thời gian có thể kéo dài hơn, chi phí cũng sẽ tăng lên rất nhiều.

Các biện pháp nóng

Sáng 30/5, đại diện Văn phòng Chính phủ đã có cuộc làm việc khẩn cấp với Bộ Bưu chính Viễn thông về vấn đề này. Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông thì Thủ tướng đã rất quan tâm và đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng liên quan nhằm xử lý nóng vấn đề này.

Theo ông Hải, tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là cần có ngay các biện pháp để tuyên truyền cho nhân dân biết về tác hại, hậu quả và mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Theo đó, hiện Bộ Bưu chính Viễn thông đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp nhằm ngăn chặn mọi hình thức khai thác, mua bán, vận chuyển cáp viễn thông.

Đặc biệt, tinh thần của Thủ tướng là cần có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng như Bộ Quốc phòng, công an như hải quân, biên phòng, cảnh sát biển; Bộ Thuỷ sản, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tuyến cáp còn lại.

Đối với tuyến cáp đã bị đứt, Thủ tướng và Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ đạo cần tạo mọi điều kiện để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất, tránh để xảy ra hậu quả nặng nề như việc Việt Nam bị cô lập, đứt mạch liên lạc. Ông Hải cũng cho biết, hiện đã có nhiều địa phương phản hồi về việc tăng cường các biện pháp an ninh cho tuyến cáp viễn thông.

Đặc biệt, các biện pháp xử lý răn đe sẽ được thực hiện nhằm có tác động sâu sắc nhất đến người dân trước thực trạng này.