10:14 22/03/2010

Thất thiệt thông tin Mỹ cần lao động

Dũng Hiếu

Việc xin thủ tục nhập cảnh cho người lao động vào Mỹ gặp rất nhiều khó khăn

Không chỉ ngặt nghèo trong việc cấp visa mà việc nhập khẩu lao động vào Mỹ cũng được làm rất chặt chẽ.
Không chỉ ngặt nghèo trong việc cấp visa mà việc nhập khẩu lao động vào Mỹ cũng được làm rất chặt chẽ.
Nhớ lại, cách đây gần 3 năm, bốn doanh nghiệp là AIC, Airseco, Trung tâm Xuất khẩu lao động Viracimex, Simco Sông Đà đã từng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thí điểm đưa lao động sang Mỹ làm việc ở lĩnh vực hàn, cắt cỏ, trang trại (hái cam)...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các doanh nghiệp này đã bỏ cuộc, bởi sau một thời gian tuyển dụng và đào tạo bài bản, số lượng lao động được cấp visa sang Mỹ làm việc vẫn rất ít.

Ngay từ khi triển khai thí điểm, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho biết, so với một số thị  trường xuất khẩu lao động khác, thị trường Mỹ có những điều kiện khá ngặt nghèo, đặc biệt là thủ tục nhập cảnh.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc Công ty AIC cũng phải thừa nhận, từ trước đến nay, việc xin thủ tục nhập cảnh cho người lao động vào Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, do phía Mỹ lo ngại lao động Việt Nam khi sang Mỹ làm việc sẽ bỏ trốn; hơn nữa, tiêu chuẩn phía Mỹ đưa ra lại rất cao, cả về trình độ tay nghề, ngoại ngữ lẫn sức khỏe.

Mặc dù, AIC từng tuyển lao động đi Mỹ làm việc trong 2 lĩnh vực (sân golf và nông nghiệp) nhưng số lượng lao động được cấp visa không đáng kể.

Ngặt nghèo cấp visa nhập khẩu lao động

Đối với việc cấp visa thì mỗi ngành nghề lao động vào làm việc tại Mỹ có một loại visa riêng. Thứ nhất, với Visa H1A dành cho lao động nghề y tá. Để được nhập cảnh vào Mỹ làm nghề y tá, người lao động phải có bằng y tá được Mỹ công nhận và trình độ tiếng Anh đạt TOEFL 550. Thời hạn hợp đồng 3 năm và được gia hạn thêm.

Thứ hai, Visa H1B dành cho lao động có trình độ cao. Những lao động này có thể làm việc ở Mỹ tối đa 6 năm.

Thứ ba, visa H2A và  H2B dành cho lao động tay nghề thấp, làm việc trong ngành nông nghiệp và một số ngành phi nông nghiệp, thời hạn hợp đồng dưới 1 năm. Điều kiện cấp visa cho loại lao động này quá khắt khe. Theo quy định của Mỹ, khi hết hợp đồng, lao động nước ngoài phải xuất cảnh khỏi Mỹ và có được quay lại tiếp hợp đồng hay có được gia hạn visa hay không phụ thuộc vào quan hệ của người sử dụng lao động với các cơ quan chức năng của Mỹ.

Thứ tư, visa H3 dành cho người nhập cảnh vào Mỹ theo chương trình tu nghiệp sinh.

Thứ năm, visa L1 dành cho người nước ngoài vào Mỹ làm công tác quản lý chi nhánh doanh nghiệp.

Không chỉ ngặt nghèo trong việc cấp visa mà việc nhập khẩu lao động vào Mỹ cũng được làm rất chặt chẽ. Thông thường, hàng năm, thậm chí hàng quý cơ quan thống kê  nhu cầu lao động của Mỹ sẽ thống kê về  số lượng lao động thiếu hụt trong từng ngành nhỏ và đề xuất kế hoạch tuyển dụng lao động nước ngoài. Nhu cầu tuyển lao động phổ thông hầu hết chỉ là những việc thời vụ với thời hạn vài tháng như hái cam, hái dâu... Căn cứ vào con số thiếu hụt, cơ quan nhập cư sẽ cho phép cấp bao nhiêu visa cho lao động nước ngoài vào đúng ngành này.

Việc quản lý lao động nước ngoài ở Mỹ chặt chẽ tới mức nếu trong visa ghi là nhập cảnh để đi hái cam mà lao động này lại làm việc khác, nếu bị phát hiện sẽ bị trục xuất ngay.

Không tuyển lao động giúp việc gia đình

Sự “ngặt nghèo”  trong việc cấp visa của Mỹ cho thấy sang Mỹ làm việc như là "giấc mơ" mà lao động Việt Nam khó với tới. Tuy nhiên, cách đây không lâu, Công ty Sovilaco tại Tp.HCM lại có thông tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông về việc tuyển lao động sang Mỹ làm giúp việc gia đình.

Theo đó, đối tượng tuyển dụng sẽ là lao động nữ, biết tiếng Anh và có kỹ năng nghề, chứng minh được khả năng tài chính bằng sổ tiết kiệm 10.000 USD, có giấy tờ nhà đất. Chi phí xuất cảnh là 4.581 USD chưa kể các khoản khác như tiền học tiếng Anh, giáo dục định hướng, lệ phí visa, tiền khám sức khỏe, hộ chiếu, vé máy bay hai chiều...

Tổng cộng tất cả các khoản này, chi phí trước khi xuất cảnh của người lao động cũng gần 10.000 USD chưa kể sổ tiết kiệm. Thu nhập cam kết khoảng 1.500 USD/tháng. Thông tin này đã gây “sốc” cho các cơ quan lý lao động cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bởi đây là một thông tin không chính xác.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau khi có thông tin Công ty Sovilaco tuyển lao động giúp việc gia đình, ông đã yêu cầu kiểm tra thì thấy hợp đồng tuyển dụng này chưa được đăng ký tại Cục và không hề có việc này. Thị trường lao động Mỹ không tuyển dụng giúp việc gia đình từ nước ta. Việc xin visa nhập cảnh vào Mỹ rất khó khăn kể cả với những ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài. Bởi vậy không thể có chuyện tuyển lao động sang Mỹ làm nghề giúp việc gia đình.

Ông nhấn mạnh thêm: “Tôi điện thoại ngay cho Công ty Sovilaco thì được trả lời là chương trình này là chương trình hợp tác du học theo chức năng giới thiệu du học sinh của công ty, không phải chương trình lao động”.

Còn ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty Sovilaco, cho rằng chắc có sự nhầm lẫn bởi công ty hiện đang thí điểm chương trình cho các sinh viên có nhu cầu đi thực tập sinh tại Mỹ. Tuy nhiên, do đang trong thời gian thí điểm nên chưa đưa được ai sang Mỹ, dù đã có một vài em đến đăng ký.

Ông Nam nói thêm, chương trình này thực chất là chương trình trao đổi sinh viên với phía đối tác Mỹ, giúp sinh viên nước ta tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng thực hành và nâng cao trình độ tiếng Anh tại Mỹ. Đối tượng tham gia chương trình này sẽ được cấp visa J1 (cấp cho sinh viên) chứ không phải là visa H2 (cấp cho lao động phổ thông). Nếu đi được, các sinh viên chỉ được hưởng lương trong thời gian thực tập tại Mỹ.

Tuy nhiên, với những thị trường lao động như Mỹ, khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa giảm thì không thể có  chuyện cấp visa cho lao động phổ thông vào Mỹ. Nếu “lách” bằng cách xin visa du học lại càng khó hơn vì chỉ cần biết đương đơn không trung thực trong bất kỳ điều gì là sẽ bị từ chối visa.

Theo một đại diện phòng lãnh sự Mỹ tại nước ta, một trong những điều kiện để xin visa du học vào Mỹ là  sinh viên đó phải được một trường đại học tại Mỹ chấp nhận, thực lực học tập của sinh viên và khả năng tài chính của gia đình. Nhưng điều quan trọng nhất là bằng cách nào đó du học sinh phải chứng minh được mình sẽ trở về mà không định cư tại Mỹ sau thời gian học. Đây là điều khó khăn nhất và rất nhiều người đã thất bại, không được cấp visa vào Mỹ.

Như vậy, thông tin Mỹ cần lao động giúp việc gia đình không giới hạn số lượng là một thông tin thất thiệt. Các cơ  quan chức năng đã cảnh báo về dạng thông tin kiểu này để người lao động cảnh giác tránh sa vào bẫy của những kẻ lừa đảo.