07:15 19/11/2020

Thế giới chi gần 20.000 tỷ USD để "cứu" nền kinh tế trong đại dịch

Hoài Thu

Bất chấp các chương trình giải cứu với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, kinh tế thế giới vẫn rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất thế từ Đại Suy thoái những năm 1930

Các hoạt động kinh tế và việc làm tại hầu hết khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, đều rơi xuống mức thấp chưa từng thấy - Ảnh: Getty Images
Các hoạt động kinh tế và việc làm tại hầu hết khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, đều rơi xuống mức thấp chưa từng thấy - Ảnh: Getty Images

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã cam kết chi khoảng 19.500 tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát để "giải cứu" nền kinh tế. IMF nhận định một số quốc gia thậm chí cần bơm nhiều tiền hơn nữa để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, CNN cho biết.

Cụ thể, tính tới tháng 9/2020, các chính phủ trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá gần 12.000 tỷ USD, còn các ngân hàng trung ương đã "bơm" ít nhất 7.500 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, theo báo cáo thường niên của IMF. 

Tuy nhiên, bất chấp các chương trình giải cứu với quy mô và tốc độ chưa từng thấy - bao gồm giảm thuế, hỗ trợ trả lương, cấp khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục - kinh tế thế giới vẫn rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất thế từ Đại Suy thoái những năm 1930. Các hoạt động kinh tế và việc làm tại hầu hết khu vực trên thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, đều rơi xuống mức thấp chưa từng thấy.

IMF nhận định dù thông tin lạc quan về một số loại vắc-xin làm tăng triển vọng của kinh tế toàn cầu năm 2021, điều này không giúp ích nhiều cho các quốc gia trong ngắn hạn. Những rào cản đối với các chương trình hỗ trợ tài chính tiếp theo có thể "thổi bay" thành qủa phục hồi vốn đã mong manh của nền kinh tế. 

"Các quốc gia đang phải đối mặt với một chặng đường dài đầy khó khăn, không đồng đều, bất ổn và nhiều rủi ro thất bại", Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, nhận xét. 

Tại Mỹ, nơi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, cuộc chiến pháp lý liên quan tới bầu cử tổng thống có thể là rào cản lớn với một gói kích thích kinh tế mới. Nước này đã mất khoảng 10 triệu việc làm kể từ khi đại dịch bùng phát. Một số bang Mỹ đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp kiềm chế số ca lây nhiễm để bảo vệ thành quả phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trải qua mâu thuẫn nội bộ và điều này có thể khiến quá trình phê duyệt gói cứu trợ Covid-19 trị giá 950 triệu USD kéo dài thêm nhiều tháng nữa. 

Các nhà kinh tế nhận định việc các chính phủ ngừng các gói cứu trợ quá sớm có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Neal Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho rằng đây là "rủi ro lớn nhất" mà các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt trong ngắn hạn. 

"Đây là một sai lầm kiểu 'gậy ông đập lưng ông'", ông Shearing nhận định trong báo cáo công bố ngày 17/11. Ông cho rằng nhu cầu yếu trong khoảng thời gian dài - vốn đã được kích thích phần nào nhờ các gói giải cứu quy mô lớn - giờ đây là mối đe dọa lớn nhất với sự tăng trưởng của nền kinh tế.