07:57 22/03/2012

Thế giới khát nước sạch tới mức nào?

Hoài An

Nước bẩn vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, mỗi phút có tới 7 người trên hành tinh thiệt mạng

Những cậu bé Iraq ở ngoại ô thủ đô Baghdad đang cố gắng đổ đầy nước vào thùng - Ảnh: AP.
Những cậu bé Iraq ở ngoại ô thủ đô Baghdad đang cố gắng đổ đầy nước vào thùng - Ảnh: AP.
Ngày Nước Thế giới (22/3) năm nay có chủ đề "Nước và an ninh lương thực" tiếp tục gửi tới một thông điệp, cần giữ gìn nguồn nước để đảm bảo vựa lương thực của nhân loại.

Nhiều quốc gia có tài nguyên nước thuộc vào hàng trung bình trên thế giới nhưng lại ẩn chứa nhiều dấu hiệu không bền vững. Việc khai thác và sử dụng một cách không hợp lý đang dẫn tới việc suy thoái tài nguyên nước.

Biến đổi khí hậu cũng đang làm cho nhiều nơi rơi vào tình cảnh khan hiếm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, đe dọa tới an ninh lương thực, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, nhu cầu lương thực tăng 70% và nhu cầu nước tăng 19%. Lúc đó, cần huy động đến 90% nguồn nước trên thế giới. Trong khi đó, sự phân bố và sử dụng nguồn nước đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.

Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova, một trong thành viên trong Ban soạn thảo báo cáo nói: “Việc sử dụng các nguồn nước hiện không hợp lý. Trong tương lai, sự bất bình đẳng càng sâu sắc hơn, những nguy cơ còn lớn hơn”.  

Khu vực đang chịu nhiều thách thức nhất thế giới hiện nay là các nước Mỹ Latin và Caribbean. Các thách thức nghiêm trọng liên quan đến nước mà khu vực này đang phải đối mặt xuất phát từ biến đổi khí hậu, thủy học, hoạt động quản lý và xử lý nguồn nước.

Thêm vào đó, còn có những khác biệt về tính chất và hiệu quả của các hệ thống thể chế, sự bất tương đồng trong phân phối, cấu trúc nhân khẩu của dân số cũng như các nhân tố vĩ mô liên quan đến buôn bán quốc tế.

Dân số đô thị trong khu vực đã tăng gấp 3 lần trong 4 thập kỷ qua, đặc biệt ở các thành phố nhỏ và trung bình, và theo Liên hiệp quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh từ 460 triệu người hiện nay lên 609 triệu người vào năm 2030 với nhiều thành phố quy mô hơn 1 triệu dân.

Mỹ Latin đã trở thành khu vực đô thị hóa nhất trong các nước đang phát triển với hơn 80% dân số sống ở đô thị. Đô thị hóa không chỉ thay đổi cơ cấu dân cư mà còn đặt ra nhiều vấn đề ưu tiên đối với các chính phủ, trong đó có hệ thống cung cấp nước đô thị.

Trong khi đó, theo các báo cáo được công bố Diễn đàn Nước toàn cầu lần thứ 6 mới đây cho thấy, hiện vẫn còn có tới 3 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước an toàn cho sức khỏe.

Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm nửa số người không được tiếp cận nước sạch đã đạt được đúng hạn vào 2010, nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Nước bẩn vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới, mỗi phút có tới 7 người trên hành tinh thiệt mạng.

Ủy viên châu Âu về hợp tác quốc tế, cứu trợ nhân đạo, Kristalina Georgieva, nhấn mạnh: “Các thảm họa về nước gây nhiều thiệt hại cho con người, cộng đồng. Đặc biệt, những người nghèo dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất”.

“Trong một thập kỷ qua, thế giới đã tăng 13 lần nguồn tài chính cho cải thiện chất lượng nước, nhưng vấn đề vẫn rất nghiêm trọng. Cần có chính sách mới về tiếp cận nước sạch trong các hoạt động cộng đồng. Trong việc cứu trợ nhân đạo, những nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng cần được cung cấp nước sạch nhiều hơn, chứ không chỉ thực phẩm”.

Bản tuyên bố cấp bộ trưởng được Diễn đàn với đại diện từ 130 nước thông qua đã đưa ra hai nội dung quan trọng: Một là “tiếp cận nước sạch như quyền cơ bản của con người”, hai là “cùng hợp tác hòa bình để quản lý tối ưu các lưu vực sông xuyên biên giới”.

Nhân ngày Nước Thế giới, VnEconomy mời bạn đọc cùng “dạo” một vòng thế giới để xem hành tinh của chúng ta đang thiếu nước sạch như thế nào. Chùm ảnh do phóng viên các hãng tin quốc tế ghi lại và được trang tin Boston đăng tải.

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 1
Một cậu bé đang tắm tại một vòi nước công cộng ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh chụp ngày 6/3/2012. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 2
Một người nông dân đang tưới ruộng ở làng Pobitora, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 29/2/2012. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 3
Hai người đàn ông đang đứng tắm trên một đường ống nước, phía dưới là một mương nước thải. Ảnh chụp ngày 20/12/2011. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 4
Một cậu bé đứng tắm dưới một chiếc xe bồn ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 5
Một phụ nữ đang uống nước trong lúc nghỉ ngơi trên một bãi trồng chè ở Siliguri, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 14/10/2011. (Ảnh: AFP/Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 6
Abduljaleel Jabbar, 46 tuổi, ở Islamabad, Pakistan, đang dùng một cái gáo múc nước và đổ lên người. Ảnh chụp ngày 24/6/2011. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 7
Những cậu bé đang ngụp lặn giữa dòng nước ngập đầy tảo xanh ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 17/7/2011. (Ảnh: AFP/Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 8
Một bà cụ đang phải gánh nước từ xa về nhà ở Yiliang, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 27/2/2012. (Ảnh: AFP/Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 9
Một phụ nữ ở Malabon, phía bắc Manila (Philippines) đang dùng thuyền chở nước về nhà. Ảnh chụp ngày 29/9/2011. (Ảnh: Reuters)
 
Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 10
Những người đàn ông đang lội trong dòng nước lạnh buốt. Đây là hình ảnh chụp từ lễ hội Saidaiji ở Okayama, Nhật Bản hôm 18/2/2012. (Ảnh: Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 11
Joseph Irungu (trái) và một công nhân khác đang đổ nước thải xuống một dòng sông ở Nairobi. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 12
Dadaab, Kenya khô cằn vì thiếu nước. Ảnh chụp ngày 19/7/2011. (Ảnh: Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 13
Một bé trai ở el-Srief, Bắc Darfur đang được người lớn cho uống nước. Ảnh chụp ngày 25/7/2011. (ẢNh: AFP/Getty)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 14
Những người đàn ông Sudan đang kéo nước từ một cái giếng ở Shendi, Sudan. (Ảnh: AP)

Thế giới khát nước sạch tới mức nào? - Ảnh 15
Một cậu bé đang băng qua vòi phun nước dưới trời nắng 35 độ C ở Tehran, Iran. Ảnh chụp ngày 13/7/2011. (Ảnh: AP)