17:38 09/01/2010

Venezuela phá giá đồng nội tệ

Kiều Oanh

Tổng thống Venezuela tuyên bố phá giá đồng Bolivar của nước này, khiến tỷ giá của đồng nội tệ giảm còn một nửa so với USD

Phát biểu trên truyền hình Venezuela về quyết định phá giá đồng tiền, ông Chavez nói: “Tất cả việc này đều nhằm một mục tiêu là đưa nền kinh tế phục hồi” - Ảnh: Reuters.
Phát biểu trên truyền hình Venezuela về quyết định phá giá đồng tiền, ông Chavez nói: “Tất cả việc này đều nhằm một mục tiêu là đưa nền kinh tế phục hồi” - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đêm ngày 8/1 đã tuyên bố phá giá đồng Bolivar của nước này, khiến tỷ giá của đồng nội tệ giảm còn một nửa so với USD.

Theo giới phân tích, động thái phá giá đồng tiền của Venezuela phản ánh những thách thức tài chính mà Chính phủ của Tổng thống Chavez đang phải đối mặt kể từ khi giá dầu thô, mặt hàng xuất khẩu chính của Venezuela, sụt giảm mạnh từ mức đỉnh năm 2008 do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Chavez đã công bố chế độ hai tỷ giá. Theo đó, Mức tỷ giá 4,3 Bolivar đổi 1 USD, so với mức 2,15 Bolivar tương đương 1 USD trước khi phá giá - được áp dụng cho việc nhập khẩu hầu hết các mặt hàng từ xe hơi tới vật liệu xây dựng. Trong khi đó, mức tỷ giá 2,6 Bolivar tương đương với 1 USD sẽ được áp dụng cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế và máy móc.

Trước đây, ông Chavez vẫn liên tục phủ nhận chuyện Chính phủ của ông có thể phá giá đồng tiền. Lần gần đây nhất, đồng Bolivar bị phá giá là vào tháng 3/2005. Tuy nhiên, trong năm 2009 vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái toàn cầu, nền kinh tế Venezuela đã suy giảm 2,9%, gây ra những áp lực về tài chính buộc ông phải đi tới quyết định phá giá đồng nội tệ.

Sự sa sút của ngành công nghiệp dầu lửa do giá dầu thô giảm, cộng với những vụ quốc hữu hóa khiến giới doanh nghiệp mất niềm tin, nền kinh tế Venezuela được dự báo là sẽ còn trì trệ trong năm nay, trong khi các nền kinh tế lớn khác ở khu vực Mỹ Latin đang có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh.

Phát biểu trên truyền hình Venezuela về quyết định phá giá đồng tiền, ông Chavez nói: “Tất cả việc này đều nhằm một mục tiêu là đưa nền kinh tế phục hồi”.

Ông Chavez cho biết, ông sẽ duy trì chế độ kiểm soát tiền tệ, trong đó tỷ giá đồng Bolivar sẽ được neo buộc vào tỷ giá USD. Ông cũng tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp thắt chặt hoạt động giao dịch tiền tệ “chợ đen” nhằm ngăn chặn sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại. Hiện tại, các nhà chức trách Venezuela đã tăng cường kiểm tra khách du lịch trong nước ra nước ngoài để kiểm soát việc chi tiêu bằng ngoại tệ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch của Venezuela, ông Jorge Giordani cho biết, việc phá giá đồng Bolivar nhằm mục đích giúp các mặt hàng xuất khẩu của Venezuela như cà phê và cacao tăng sức cạnh tranh. Các chuyên gia kinh tế độc lập thì cho rằng, động thái này cũng sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu dầu thô tính bằng đồng nội tệ cho Venezuela, cho phép ông Chavez tăng cường chi tiêu cho các chương trình xã hội.

Tuy nhiên, việc phá giá đồng tiền có khả năng khiến lạm phát tại Venezuela leo thang mạnh hơn, vì sẽ làm giá các mặt hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, chính sách hai tỷ giá có thể tạo cơ hội cho giới đầu cơ tiền tệ trục lợi.

Tỷ lệ lạm phát tại Venezuela năm 2009 là mức cao nhất trong khu vực Mỹ Latin, lên tới 25%.

Tại quốc gia này, hoạt động mua bán tiền tệ “chợ đen” phát triển rất mạnh. Trong ngày 8/1, tỷ giá USD tại thị trường này đã lên tới 6,25 Bolivar đổi được 1 USD khi có xuất hiện tin sắp có phá giá.

“Việc phá giá đồng tiền của Venezuela không phát đi thông điệp niềm tin về sự ổn định kinh tế. Chính phủ chưa có chương trình nào để kiểm soát lạm phát”, chuyên gia kinh tế độc lập Orlando Ochoa của nước này phát biểu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chưa có dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng theo sau động thái phá giá đồng tiền này. Giá dầu thô, mặt hàng đóng góp 90% kim ngạch xuất khẩu của Venezuela, gần đây đã tăng trở lại, lên mức hơn 80 USD/thùng. Ngoài ra, các chương trình trợ giá lương thực và y tế của Venezuela cũng làm dịu bớt ảnh hưởng của lạm phát đối với tầng lớp dân nghèo.

Mặc dù vậy, các chương trình trợ cấp khác, bao gồm chính sách duy trì giá xăng ở mức dưới 0,1 USD/gallon (tương đương hơn 500 VND/lít), đang làm các nguồn tài nguyên của nước này dần cạn kiệt. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân, với nỗi lo về những vụ quốc hữu hóa và xung công có thể bất ngờ xảy ra, rất dè dặt trong việc tăng đầu tư, khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn giữa lúc tốc độ tăng trưởng trì trệ mà tỷ lệ lạm phát lại cao.

(Theo New York Times)