Thế khó của Tập đoàn T&T ở Bệnh viện Giao thông Vận tải
Tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn T&T tại đây đã giảm xuống còn 22,071%
Theo báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải cho biết, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn T&T tại đây đã giảm xuống còn 22,071%.
Cụ thể, vốn chủ sở hữu của công ty tăng thêm 223,5 tỷ đồng do xác định lại giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần của Bệnh viện Vận tải Trung ương sau khi quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện và quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa dẫn đến tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư giảm từ 51,42% xuống còn 22,071%.
Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 5/1/2016.
Với tỷ lệ này, công ty của ông Đỗ Quang Hiển là Tập đoàn T&T không còn quyền phủ quyết cũng như thiếu sức nặng trong các quyết định điều hành công ty.
Năm 2015, Bệnh viện Giao thông vận tải là đơn vị y tế công lâp đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải được lựa chọn cổ phần hóa, trong đó Tập đoàn T&T là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 30% cổ phần, tập đoàn này còn tiếp tục tham gia phiên IPO để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%.
Theo Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Nhà nước nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu cổ phần; 10,52% vốn điều lệ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ, tương ứng 4,952 triệu cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng. Tuy nhiên, nội dung này đã thay đổi, Nhà nước sẽ nắm giữ hơn 71% vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư còn lại sẽ giảm xuống dưới 30%.
Do quá trình thoái vốn không thực hiện đúng cam kết, T&T không đạt được mong muốn ban đầu trong việc điều hành đơn vị này. Tới giữa năm 2018, T&T xin thoái toàn bộ vốn bằng kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 5.040.000 cổ phần bán cho cổ đông chiến lược với giá đã mua là 11.000 đồng/cổ phần, tương đương 55,44 tỷ đồng, theo hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.
T&T cũng muốn Nhà nước mua lại toàn bộ 3.600.000 cổ phần chào bán lần đầu của Bệnh viện tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà nhà đầu tư này trúng đấu giá với giá 26.000 đồng/cổ phần.
Tổng giá trị của 2 lô cổ phần nói trên mà T&T muốn Nhà nước mua lại khoảng 149 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản lãi phát sinh mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải trả cho T&T tính từ ngày nhà đầu tư thanh toán cho bên bán cho đến ngày họ nhận được số tiền hoàn trả.
Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ. Hiện khả năng thoái vốn của T&T vẫn chưa có câu trả lời, với việc tỷ lệ sở hữu giảm xuống không có quyền quyết định, khả năng khó có nhà đầu tư khác mong muốn thế chân T&T ở doanh nghiệp này.
Về kết quả kinh doanh, Bệnh viện Giao thông vận tải lâm vào cảnh thua lỗ liên tục từ 2016 đến nay. Sau quý 1/2019 tiếp tục lỗ thêm 12,5 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế của bệnh viện đang hơn 103 tỷ đồng.