Thêm một ngôi làng Italy tặng tiền để mời cư dân
Một ngôi làng xinh đẹp của Italy hy vọng sẽ thu hút được những công dân trẻ tuổi mới bằng cách tặng tiền nếu họ chuyển tới sống ở làng
Một ngôi làng xinh đẹp của Italy hy vọng sẽ thu hút được những công dân trẻ tuổi mới bằng cách tặng tiền nếu họ chuyển tới sống ở làng.
Theo hãng tin CNBC, đó là chuyện của ngôi làng có tên Santo Stefano di Sess nằm trên một ngọn đồi với phong cảnh nên thơ thuộc vùng Abruzzo ở phía Đông Nam Italy. Trang web của hội đồng làng Santo Stefano vào tuần trước đăng tin về dự án trợ cấp tới 44.000 Euro, tương đương hơn 52.000 USD, cho mỗi cư dân trẻ chuyển tới làng.
Hiện nay, làng Santo Stefano chỉ có 115 cư dân, trong đó có 41 người đã ở độ tuổi trên 65. Số người dưới 20 tuổi trong làng chỉ có vỏn vẹn 13 người.
Hội đồng làng Santo Stefano cho biết, do dân số ít và lão hóa, một việc cấp thiết mà làng cần làm vào lúc này là đảm bảo "sự phát triển bền vững và lâu dài của làng".
Theo sáng kiến thu hút cư dân mới, làng Santo Stefano sẽ trợ cấp số tiền tối đa 8.000 Euro mỗi năm trong vòng 3 năm, chi trả hàng tháng. Ngoài ra, làng còn có một khoản hỗ trợ khác, cấp một lần, tối đa 20.000 Euro, để cư dân mới mở cơ sở kinh doanh. Làng cũng hỗ trợ nhà đất cho cư dân mới, mà người nhận sẽ phải trả một khoản tiền thuê "danh nghĩa".
Một điều kiện để được hưởng các ưu đãi trên là cư dân trong độ tuổi từ 18-40 từ nơi khác chuyển tới sống ở làng Santo Stefano. Bên cạnh đó, những cư dân mới này phải sống trong làng ít nhất 5 năm và mở cơ sở kinh doanh tại làng.
Các ứng viên có thể là công dân Italy tại các vùng khác trên toàn quốc, nhưng phải chuyển đến từ một vùng có ít nhất từ 2.000 cư dân trở lên. Ứng viên cũng có thể là công dân các nước trong hoặc ngoài EU, miễn là có giấy phép cư trú ở Italy trong một thời gian nhất định.
Cơ sở kinh doanh mà cư dân mới có ý định mở ở làng Santo Stefano phải thuộc các lĩnh vực ưu tiên do hội đồng làng chỉ định, gồm du lịch, thể thao, văn hóa, vệ sinh, kỹ thuật bảo trì, hiệu thuốc, tiếp thị và bán nông sản địa phương… Thời hạn nộp hồ sơ tham gia chương trình này là đến hết ngày 15/11/2020.
Chuyện của làng Santo Stefano cũng là chuyện của nhiều ngôi làng và thị trấn đồng quê khác ở Italy. Trong những năm gần đây, nhiều địa phương của nước này đã phải tung hàng loạt biện pháp thu hút cư dân để chống lại tình trạng suy giảm và lão hóa dân số tưởng như không thể cưỡng lại.
Hãng tin CNN hồi đầu năm 2019 đưa tin về Borgomezzavalle - thị trấn 320 dân nằm ở tỉnh Verbano-Cusio-Ossola, thuộc khu vực Piedmont miền Bắc Italy. Thị trưởng thị trấn này hi vọng có thể thu hút thêm cư dân mới tới sống bằng chính sách trả 1.000 Euro (hơn 1.140 USD) cho mỗi em bé được sinh ra tại đây. Ngoài ra, thị trấn này cũng rao bán nhà với giá chỉ 1 Euro - tức hơn 1 USD.
Cũng tại khu vực Piedmont, thị trấn Locana cũng sẵn sàng trả 9.000 Euro (10.200 USD) trong vòng 3 năm cho các gia đình chuyển tới đây sống. "Dân số của chúng tôi đã giảm từ 7.000 người vào đầu những năm 1900 xuống chỉ còn 1.500 người khi cư dân rời bỏ nơi này để tìm việc tại các nhà máy lớn ở thành phố Turin", thị trưởng Giovanni Bruno Mattiet của Locana cho biết. "Trường học của chúng tôi đang có nguy cơ đóng cửa vì quá ít học sinh. Chúng tôi không thể để điều này xảy ra".
Các chính sách ưu đãi này đã mang lại hiệu quả nhất định. Ví dụ, thị trấn Ollolai, thuộc hòn đảo Sardinia đã bán được hàng chục căn nhà với giá 1 Euro.
Thị trấn Candela ở vùng Puglia miền nam Italy thưởng tiền mặt 2.000 Euro (gần 2.300 USD) cho người nào chuyển tới đây sống, kèm theo ưu đãi thuế. Nhờ đó, thị trấn này giờ đây có thêm nhiều cư dân mới ở đủ độ tuổi, quốc tịch và nghề nghiệp.
Thị trấn Sambuca ở khu vực Sicily, miền nam Italy cũng chứng kiến nhiều người đổ đến đây mua bất động sản với chương trình bán nhà 1 Euro.
Trong khi đó, Cianciana - cũng thuộc khu vực Sicily, trở thành một trong những nơi được nhiều người lựa chọn để nghỉ hưu nhờ giá thuê rẻ và chi phí sinh hoạt thấp. Với chương trình ưu đãi để hút cư dân, thị trấn Caltabellotta ở Sicily cũng trở thành nơi nghỉ hưu phổ biến.
Tuy nhiên, ông Andrea Ungari, giáo sư lịch sử đương đại của Đại học LUISS tại Rome cho rằng việc thu hút người nước ngoài về các thị trấn không giúp giải quyết những vấn đề khiến cư dân rời bỏ nơi đó trước đây. "Việc này có thể ổn trong ngắn hạn, người nước ngoài yêu thích vẻ đẹp của Italy và ao ước một kỳ nghỉ ở nơi đầy nắng. Tuy nhiên, trong dài hạn, họ cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, bệnh viện và dịch vụ đầy đủ, đặc biệt là cho người về hưu", ông Ungari nói.