15:33 27/04/2022

Thị trường bất động sản Hà Nội quý I có nhiều khởi sắc

Thanh Xuân

Thị trường bán lẻ được đánh giá là dần phục hồi và hứa hẹn nhiều sôi động. Cụ thể nguồn cung quý I tăng 1% theo quý, tuy nhiên con số này phản ảnh mức độ tăng trưởng còn chậm của bất động sản bán lẻ ba năm qua, nguồn cung mới vẫn hạn chế…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo thị trường quý I/2022 của Savills Việt Nam vừa công bố về tổng quan tình hình bất động sản tại Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2022 cho thấy thị trường bán lẻ, văn phòng và biệt thự/nhà liền kề đã có nhiều khởi sắc

CÁC HÃNG BÁN LẺ TÍCH CỰ TÌM KIẾM MẶT BẰNG

Giá thuê gộp mặt bằng tầng trệt tăng 5% theo quý và 4% theo năm với công suất thuê ổn định. Mức tăng nhanh nhất được ghi nhận ở khu vực trung tâm và phía đông Hà Nội với mức tăng trung bình đạt 5% mỗi năm từ năm 2018.

Theo Savill, nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt, đặc biệt là GRDP và doanh thu bán lẻ đều tăng. Bên cạnh đó, các kế hoạch mở rộng kinh doanh của một số nhà bán lẻ sẽ khiến thị trường trở nên sôi động hơn. 

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, nhận xét: “Các hãng bán lẻ hạng sang đang tích cực tìm kiếm mặt bằng trong quận Hoàn Kiếm, khiến giá thuê mặt bằng tầng trệt tại khu vực này tăng đáng kể. Tuy nhiên, các thương hiệu bán lẻ tầm trung vẫn rất thận trọng trong việc tìm kiếm mặt bằng mới hậu Covid-19. Ngoài ra sự tăng trưởng của thương mại điện tử cũng gây ảnh hưởng tới lượng người mua sắm trong các trung tâm thương mại”.

Bên cạnh đó, thị trường văn phòng lại nhu cầu thuê cao. Cụ thể nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong quý 1 chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ, dẫn đầu bởi những dự án thuộc phân khúc Hạng B. Các quận nội thành đang cung cấp vào thị trường lượng lớn sản phẩm, theo sau bởi khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là quận Cầu Giấy.

Tỷ lệ lấp đầy tuy tăng theo quý nhưng giảm theo năm. Văn phòng hạng C có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đặc biệt tại phía Tây Hà Nội với các doanh nghiệp thuộc khối ngành ICT và sản xuất.

Hoạt động cho thuê văn phòng dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Ngành ICT cùng với tài chính ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản tiếp tục có số lượng giao dịch lớn trong quý 1. Xu hướng văn phòng xanh sẽ đem đến nhiều lợi thế cạnh tranh khi mang lại không gian làm việc vừa góp phần bảo vệ môi trường cũng như tăng năng suất làm việc, thu hút và giữ chân nhân tài. 

Chia sẻ về tình hình hoạt động của phân khúc văn phòng, bà Minh cho biết: “Khách thuê sẽ có những lựa chọn về văn phòng Hạng A mới chất lượng cao bắt đầu từ cuối năm nay, chủ yếu sẽ đến từ khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ. Các dự án mới sẽ cạnh tranh mạnh với các tòa nhà hiện hữu về chất lượng, dịch vụ và giá cả”.

 NHÀ Ở LIÊN TỤC GHI NHẬN MỨC GIÁ CAO NHẤT

Đối với biệt thự/nhà liền kề, đơn vị này cũng thông tin thêm, so với quý 4/2021, tình hình hoạt động đã cải thiện, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Lượng giao dịch tăng theo quý nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà liền kề và nhà phố là hai sản phẩm có mức tiêu thụ mạnh nhất trong thị trường. 

Về giá bán, kể từ quý 3/2021, giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay, với sự gia tăng về giá tại các phân khúc biệt thự, nhà liền kề và nhà phố. Dự báo trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ mười dự án. Trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất. Với hạn chế về sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.

Song song với dấu hiệu tích cực từ các phân khúc trên, thì thị trường căn hộ bán quý 1/2022 còn hạn chế tuy nhiên dự đoán quý II sẽ phục hồi tốt hơn. Đối với thị trường này quý I không có dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện tại. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng trong khi đó thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.

Tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là những động lực chính giúp thúc đẩy nguồn cầu về căn hộ trong thời gian tới.

Giá thuê tiếp tục trên đà gia tăng kể từ quý 1/2019. Trong đó, các dự án Hạng B dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của mức giá sơ cấp, theo sau bởi hạng C và hạng A. Điều này khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ. 

Với quỹ đất lớn, 5 huyện sắp lên quận bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng sẽ trở thành điểm nóng phát triển bất động sản nhà ở, chiếm tỷ lệ 24% nguồn cung tương lai.

Đánh giá về phân khúc này, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội nhấn mạnh: “Sau một quý trầm lắng, thị trường căn hộ Hà Nội dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng ngoài trung tâm cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bất động sản”.