18:06 20/04/2023

Thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế: Ngưng đọng trong quý đầu năm

Mộc Minh

Trong quý 1/2023, thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại hai khó khăn cơ bản là về vấn đề pháp lý và nguồn vốn…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo Công văn số 1057 (về việc thực hiện công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trong quý 1/2023) của Sở Xây dựng  Thừa Thiên Huế, thị trường vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn, bao gồm cả vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Khó khăn trong huy động nguồn vốn đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp phải chọn giải pháp thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Trong quý 1/2023, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp báo cáo bán được 23 căn nhà ở riêng lẻ, tổng giá trị giao dịch hơn 144 tỷ đồng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 703 căn tồn kho.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, trong quý 1/2023, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án nhà ở thương mại với 581 căn hiện đang triển khai xây dựng. Trong đó, có 3 dự án nhà ở thương mại với 116 căn nhà ở riêng lẻ hoàn thành việc đầu tư xây dựng.

Về dự án du lịch nghỉ dưỡng, trong quý 1 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc với tổng mức đầu tư 2.080 tỷ đồng, quy mô gần 75,4ha.

Về giá, giá bán chung cư tại tỉnh đang dao động ở mức 25,5 triệu đồng/m2, giá nhà ở riêng lẻ được ghi nhận 7,9 tỷ đồng/căn. 

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho rằng mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng tình hình thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Song tâm lý của khách hàng vẫn đang theo dõi, tìm hiểu động thái của nhà đầu tư về giá bán, tiến độ, khuyến mại, các dịch vụ kèm theo để quyết định chọn sản phẩm của khu đô thị đáp ứng được các tiêu chí của khách hàng. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu tư giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua bất động sản để đầu tư được tính toán và cân nhắc kỹ càng hơn trước để đề phòng thị trường có những diển biến tiêu cực.

Dự báo chính sách thắt chặt tín dụng của hệ thống ngân hàng; giá vàng giảm; thị trường chứng khoán giao dịch biến động mạnh, nhiều rủi ro; lãi suất của các ngân hàng biến động lớn … sẽ làm cho các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang thị trường bất động sản.

Các nhà đầu tư/chủ đầu tư đang cố gắng huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo đúng tiến độ cảm kết. Mặt khác, các Chủ đầu tư đã nỗ lực làm việc với các ngân hàng tiếp cận dễ hơn với vốn vay đầu tư; gia tăng các hoạt động PR sản phẩm.

 

Quy hoạch Thừa Thiên Huế trở thành đô thị thông minh gắn với di sản Cố đô Huế

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg (ngày 19/10/2022). Đây là cơ sở để tỉnhThừa Thiên Huế tiến hành tổ chức lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch.

Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ được quy hoạch để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo dạng mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm", dựa trên nền tảng của hệ thống di tích Cố đô Huế, các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể các thắng cảnh thiên nhiên sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang…