Thị trường chứng khoán năm 2019: Bốn ẩn số có thể gây biến động mạnh
Ẩn số được cho là lớn nhất năm 2019 là thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có sớm được nâng hạng
Trong nửa đầu tháng 1/2019, hàng loạt chuyên gia đã đưa ra những phân tích và dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019. Đa số các dự báo đều thận trọng hơn nhiều so với những dự báo thị trường chứng khoán năm 2018. Đáng chú ý nhất là một số chuyên gia phân tích và đưa ra những ẩn số có thể dẫn đến biến động mạnh của thị trường trong năm 2019.
Loạt ẩn số
Ẩn số thứ nhất, sẽ tác động được cho là lớn nhất đến thị trường chứng khoán năm 2019 là thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có sớm được nâng hạng? Trong tháng 9/2018, PTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Một số nhà đầu tư đánh giá đây là thông tin khá tích cực đối với thị trường chứng khoán 2019.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nhận định, việc chính thức được PTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai là câu chuyện dài hạn trong nhiều năm tới, khả năng được nâng hạng ngay trong năm 2019 là thấp.
Theo hệ thống phân loại của FTSE chia các thị trường thành 4 nhóm chính là nhóm phát triển (Developed), mới nổi loại 1 (Advanced Emerging), mới nổi loại 2 (Secondary Emerging) và cận biên (Frontier).
Theo PTSE, các tiêu chí của nhóm thị trường mới nổi loại 2 tương đối dễ dàng, về mặt định lượng, Việt Nam cơ bản đã thỏa thuận được 9/21 tiêu chí của thị trường mới nổi loại 2, nhưng về mặt định tính Việt Nam cần cải thiện nhiều, đặc biệt là các phần liên quan đến tính minh bạch. Đối với MSCI, Việt Nam vẫn có khả năng được thêm vào danh sách theo dõi lên thị trường mới nổi trong năm 2019, tuy nhiên con đường được chính thức nâng hạng là rất dài.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) lạc quan hơn khi nhận định, dòng vốn ngoại được kỳ vọng vẫn chảy vào thị trường trong năm 2019 nhờ triển vọng nâng hạng thị trường.
Theo BSC, do được tăng tỷ trọng và thu hút vốn ETF đón đầu kỳ vọng nâng hạng, nhóm VN30 sẽ có ảnh hưởng lớn đến VN-Index trong năm 2019. Theo dự báo của BSC, tỷ trọng nhóm VN30 sẽ tăng thêm 10,2%, từ mức 63,9% lên mức 74,1% trong VN-Index kỳ cơ cấu danh mục lần 1 năm 2019.
Ẩn số thứ hai 2019 là thị trường tài chính toàn cầu năm 2019 sẽ còn rất khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ ở hầu hết các nước lớn, sẽ tác động đến không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới bởi hiện nay Việt Nam bị tác động bởi thế giới là quá lớn.
Năm 2019 sẽ đối mặt với nguy cơ tăng lãi suất tại các quốc gia. Các quốc gia đã bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh lãi suất theo 4 lần tăng lãi suất của Fed trong năm 2018. Các đợt điều chỉnh này sẽ tác động trực tiếp đến tỷ giá, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng tiền đầu tư, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù có nhiều dự báo tích cực FED sẽ không tăng lãi suất nữa hay là tăng ít hơn năm 2018.
Tuy nhiên, dù tăng hay không nhưng vẫn có điểm chung, là nếu không tăng thì chính sách của Fed vẫn là thắt chặt tiền tệ, có nghĩa là không tăng lãi suất chứ không giảm lãi suất. Tại châu Âu, hết ngày 29/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu chấm dứt toàn bộ gói kích cầu kinh tế trong 5 năm qua, nghĩa là EU thắt chặt tiền tệ trong năm 2019.
Ẩn số thứ ba là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang bất kỳ lúc nào, liệu có dừng lại trong năm 2019.
Ẩn số thứ tư là sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc cùng dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu liệu có mức độ là bao nhiêu, mạnh hay yếu. Đây là một trong những điểm đáng lo nhất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chậm lại từ quý 3/2018, diễn biến này cộng với sự phình to của khối nợ toàn cầu và sự biến động thất thường của giá dầu sẽ chi phối lớn đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam trong năm 2019.
Những yếu tố tích cực
Đối với những yếu tố trong nước tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019, hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận khá tích cực. Kinh tế vĩ mô Việt Nam dự kiến tiếp tục là điểm hỗ trợ lớn cho thị trường chứng khoán trong năm 2019.
Trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,08%, đây được xem là mức tăng cao và ấn tượng nhất trong 10 năm gần đây. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh cởi mở tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, quy mô thị trường tiếp tục mở rộng nhờ lộ trình niêm yết mới, thoái vốn cổ phần hóa sẽ tiếp tục là điểm tựa cho thị trường chứng khoán trong năm 2019.
Sự phát triển của thị trường phái sinh cộng với việc tập trung thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là những điểm mới của thị trường chứng khoán trong năm 2019. Dự kiến vào cuối năm 2019 các sản phẩm được thị trường chờ đợi lâu nay như bán, giao dịch chứng khoán T0... sẽ được ứng dụng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho nhà đầu tư.
Theo BSC, hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá tương đối hấp dẫn khi P/E thấp hơn một số nước trong khu vực. P/E trung bình của VN30 là 20,1 lần, nếu loại những cổ phiếu có P/E trên 50 lần gồm CII, VIC và VRE thì P/E VN30 là 14,7 lần. EPS bình quân tăng trưởng 10%, nhóm cổ phiếu VN30 cho thấy đang ở mức hợp lý và có thể thu hút dòng vốn đầu tư trung dài hạn cũng như còn dư địa tăng giá. Thị giá một số cổ phiếu lớn, cơ bản đã quay về vùng đáy và hấp dẫn trong khi yếu tố cơ bản không thay đổi nhiều.
BSC dự báo, năm 2019, quy mô vốn hóa thị trường ước đạt 202 tỷ USD nhờ hoạt động chuyển sàn và niêm yết mới. Thanh khoản bình quân thị trường đạt 310 triệu USD/phiên, EPS toàn thị trường (Tổng LNST/Tổng KLCPNY) năm 2019 sẽ tăng 5% lên 2.390 đồng, P/E và P/B VN-Index năm 2019 lần lượt 15,7 và 2,5, còn với HNX-Index, P/E và P/E được dự báo lần lượt 10 và 1.
ThS. Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định: "Tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng còn rất lớn do đó dòng vốn sẽ còn tiếp tục chảy vào thị trường. Trong năm 2019 tôi kỳ vọng khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng nhưng giá trị mua ròng có thể giảm xuống, việc đầu tư sẽ có tính chọn lọc, chỉ tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có lợi thế nhất định trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty".