Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thất thường
VN-Index sau khi vọt lên hơn 1000 điểm đã giảm xuống nhưng lại tăng nhẹ ngay sau đó trong một quãng thời gian ngắn ngủi
VN-Index sau khi vọt lên hơn 1000 điểm đã giảm xuống nhưng lại tăng nhẹ ngay sau đó trong một quãng thời gian ngắn ngủi.
Ngay sau khi vượt mốc 1.000 điểm vào đợt khớp lệnh đầu tiên của ngày 17/1/2007, chỉ số VN-Index lập tức đã lùi về hơn 960 điểm.
Sự biến động này cho thấy ngưỡng 1.000 điểm là khá nhạy cảm trong lúc này và đặt ra câu hỏi thị trường tăng trưởng mạnh như hiện nay liệu có thật sự đáng ngại không.
Một chuyên gia chứng khoán bình luận rằng, mức 1.000 điểm hay hơn nữa cũng là bình thường vì với những cơ hội và tiềm năng về kinh tế vĩ mô cũng như vi mô như hiện nay thì việc thị trường phát triển như thế là rất đúng logic.
Điều không bình thường là ở chỗ, thời gian để đạt được mốc này quá nhanh, trong một thời gian ngắn (hai tuần), từ mức 74,27 điểm (ngày 2/1/2007) lên mức 1012,7 điểm vào đợt khớp lệnh thứ nhất trong phiên ngày 17/1/2007.
Ngay sau khi VN-Index vượt qua được ngưỡng nhạy cảm 1.000 điểm, thị trường đã ngay lập tức tự điều chỉnh lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, VN-Index đạt 964,96 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua 18/1/2007, VN-Index giảm 18,12 điểm sau lần khớp lệnh thứ nhất, sau đó tăng 8,22 điểm sau lần khớp lệnh thứ hai, và tăng 18,13 điểm vào giờ đóng cửa thị trường, đạt ở mức 983,09 điểm.
Tuy nhiên, giới quan sát thì cho rằng thời gian điều chỉnh của thị trường trong đợt này diễn ra quá ngắn ngủi. Điều này thể hiện ở sự bùng phát của thị trường trong phiên cuối cùng trong ngày 18/1.
Giá một loạt các cổ phiếu lớn như REE,GMD, SAM, SAV, VNM, VSH... chỉ giảm trong đợt khớp lệnh lần 1 và tăng lập tức trở lại trong 2 lần khớp lệnh sau đó.
Cổ phiếu STB liên tục tăng giá kịch trần trong 2 phiên gần đây. Mức giá đạt vào cuối phiên giao dịch là 83.000 đồng/cổ phiếu. Sau một thời gian bị nén giá quá lâu, đây có lẽ là thời điểm mà giá của STB bị bung ra.
Nếu giá cổ phiếu này tiếp tục tăng trần trong thời gian tới chắc chắn sẽ kéo theo sự tăng điểm của VN-Index.
Trong phiên điều chỉnh này, lượng giao dịch tăng mạnh. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu niêm yết tại sàn Tp.HCM đạt hơn 1.389 tỷ đồng.
Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt trên 148 tỷ đồng, tập trung vào hơn 11 loại cổ phiếu như BMP (499.000 cổ phiếu), BHS (123,690 cổ phiếu), ITA (99.000 cổ phiếu). GMD, VTB và FPT mỗi loại 20.000 cổ phiếu, MCP (15.000 cổ phiếu), STB (11.000 cổ phiếu), KHP và PVD mỗi loại 10.000 cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài đã giảm lượng mua vào trên thị trường khớp lệnh. Có lẽ đây là phiên hiếm hoi mà các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào bán cổ phiếu hơn là mua vào.
Trong phiên này, tổng giá trị mua vào của nhóm này đạt hơn 273 tỷ đồng trên 44 mã chứng khoán. Trong khi đó, lượng bán đạt hơn 490 tỷ đồng, gấp 1.5 lần so với lượng mua vào. Ngoài ra, lượng mua và bán theo thỏa thuận không nhiều.
Cũng ngày 17/1/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Nghị định này quy định cụ thể về một số trường hợp chào bán chứng khoán mà Luật giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về điều kiện, hồ sơ, thủ tục niêm yết chứng khoán, về mức vốn thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, việc thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định cũng quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán... và sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.