09:08 12/10/2022

Thị trường dịch vụ đám mây Việt Nam tăng trưởng kép 32% trong giai đoạn 2018 - 2023

Minh Hà

"Tầm nhìn “Make in Vietnam 4.0” do Chính phủ Việt Nam đề xuất, chiến lược “Dịch chuyển lên mây” sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu điện toán đám mây của SAP Việt Nam lên 54% vào năm 2025"…

Đại diện SAP khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Transform Tomorrow Today.
Đại diện SAP khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Transform Tomorrow Today.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam tại sự kiện Transform Tomorrow Today ngày 11/10. SAP kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng công nghệ điện toán đám mây để chuyển đổi thành các doanh nghiệp thông minh và phát triển bền vững. 

Tại sự kiện Transform Tomorrow Today, SAP Việt Nam đã chia sẻ ba từ khóa quan trọng, bao gồm “điện toán đám mây”, “phát triển bền vững” và “đổi mới cho tương lai” để các doanh nghiệp cân nhắc khi hoạch định chiến lược hoạt động, giúp họ nhanh chóng phục hồi sau các gián đoạn kinh doanh. Sự kiện cũng mang đến một sân chơi giúp các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về những công nghệ và giải pháp điện toán đám mây mới, thúc đẩy đổi mới trong môi trường kinh doanh đầy biến động. 

Tổng giám đốc SAP Việt Nam, cho biết: Trước đại dịch, xu hướng chuyển đổi theo hướng số hóa và dịch vụ hóa nền kinh tế đã được hình thành. Tuy nhiên, những bất ổn do đại dịch đã đẩy mạnh xu hướng số hóa, đặc biệt, các doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư vào các hệ thống số trên nền tảng điện toán đám mây.

Theo một nghiên cứu mới nhất của Gartner, thị trường dịch vụ đám mây công được dự báo sẽ tăng 20,4% vào năm 2022, đạt mức 494,7 tỷ USD. Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự đoán rằng Việt Nam sẽ dẫn đầu Đông Nam Á trong việc ứng dụng điện toán đám mây, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 32% trong giai đoạn 2018-2023. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang bước vào thời kỳ hoàng kim của chuyển đổi số và chiến lược “Dịch chuyển lên mây” sẽ đóng vai trò then chốt, giúp các doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong nền kinh tế số.

“Doanh nghiệp có thể dễ dàng dịch chuyển các ứng dụng và quy trình lên mây để mở rộng quy mô và hưởng lợi ích của mô hình pay-per-use (trả cho mỗi lần sử dụng) để giảm tổng chi phí sở hữu (TCO). Chiến lược “Dịch chuyển lên mây” sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu điện toán đám mây CAGR của SAP Việt Nam lên 54% vào năm 2025”, ông Việt khẳng định.

Ngoài ra, SAP cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét những tác động đến môi trường và xã hội, hướng tới hoạt động một cách thông minh và bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam có thể theo đuổi mục tiêu kép về tăng lợi nhuận và phát triển bền vững thông qua chiến lược kiềng ba chân: (1) minh bạch hóa báo cáo và tuân thủ; (2) tối ưu hóa và sử dụng dữ liệu bền vững trong các quy trình và quyết định kinh doanh, và (3) thúc đẩy tính bền vững xuyên suốt hệ sinh thái.

Khảo sát gần đây do Q&Me thực hiện cho thấy 50% người Việt Nam rất quan tâm đến các yếu tố môi trường, trong đó 84% quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển bền vững. Do đó, việc vận hành bền vững và giảm thiểu carbon là điều cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam ghi điểm với người tiêu dùng.