13:23 25/02/2025

Thị trường lao động Mỹ trước cú sốc sa thải hàng loạt công chức liên bang

Ngọc Trang

Số lượng và vị trí công chức bị sa thải sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới...

Ảnh minh họa: WSJ
Ảnh minh họa: WSJ

Chính phủ - đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất tại nước Mỹ - đang triển khai kế hoạch cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy với việc sa thải hàng loạt công chức liên bang. Số lượng và vị trí công chức bị sa thải sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

GẦN 500.000 CÔNG CHỨC CÓ THỂ MẤT VIỆC

Tính tới tháng 1/2025, Chính phủ Mỹ có 2,4 triệu công chức, không tính lao động trong ngành bưu điện. Con số này chiếm 1,5% tổng số lao động phi nông nghiệp tại Mỹ. Thống kê từ những công bố gần đây của Chính phủ, các nhà kinh tế của ngân hàng JPMorgan Chase ước tính số lượng công chức Mỹ sẽ bị sa thải là dưới 30.000 người. Đây không phải là một con số lớn với một thị trường lao động tạo ra bình quân 237.000 việc làm mỗi tháng trong 3 tháng qua.

Tuy nhiên, con số sa thải thực tế có thể lớn hơn. Với chương trình khuyến khích tự nguyện từ chức và ngừng tuyển dụng công chức liên bang, hàng trăm nghìn vị trí khác được dự báo sẽ bị cắt giảm. Theo các nhà phân tích, điều này có thể là một lực cản với nền kinh tế Mỹ bởi công chức thường hưởng lương cao hơn so với mức lương bình quân cả nước. 

Ngay khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh dừng tuyển dụng công chức liên bang. Vào ngày 11/2, Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu đã đưa ra đề nghị “thôi việc tự nguyện” với gần như toàn bộ công chức toàn thời gian, theo đó đề nghị họ nghỉ làm nhưng được hưởng lương tới cuối tháng 9/2025. Nhà Trắng cho biết đến nay đã có khoảng 75.000 công chức chấp nhận đề nghị này.

Tới ngày 14/2, Nhà Trắng bắt đầu sa thải nhân sự đang trong giai đoạn tập sự, bao gồm 6.000 công chức Sở Thuế vụ (IRS). Chương trình đóng băng tuyển dụng cũng gây tác động lớn tới thị trường lao động bởi thông thường, Chính phủ Mỹ cần tuyển khoảng 200.000 người mỗi năm.

Theo tính toán của tờ báo Wall Street Journal, tổng số công chức liên bang có thể mất việc là 475.000 người, tương đương 20% tổng lực lượng công chức. 

Dù 475.000 nhân sự chỉ chiếm 0,3% trong tổng số 159 triệu việc làm phi nông nghiệp và 30% trong 1,6 triệu việc làm mới có thể được tạo ra tại Mỹ năm nay, kế hoạch tinh giản nhân sự trên của Chính phủ có thể gây hiệu ứng lớn, đặc biệt ở một số bang.

TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NỀN KINH TẾ

Công chức mất việc có thể sẽ chi tiêu ít hơn, đặc biệt là với các hạng mục chi tiêu tùy ý như ăn uống tại nhà hàng, dịch vụ phát video trực tuyến hay ô tô mới. Trong khi đó, những người chưa mất việc có thể lo rằng họ sẽ trở thành người tiếp theo bị sa thải và cắt giảm chi tiêu để dự phòng.

Thủ đô Washington DC, nơi có khoảng 10% công chức liên bang, là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi kế hoạch cắt giảm nhân sự của chính quyền Trump. Bên cạnh đó, dữ liệu điều tra dân số năm 2023 cho thấy khoảng 35 bang khác tại Mỹ có ít nhất một quận có trên 5% lao động là công chức liên bang.

Không chỉ tác động trực tiếp tới lực lượng công chức liên bang, kế hoạch trên cũng ảnh hưởng tới nhiều nhà thầu của chính phủ Mỹ. Theo ước tính của giáo sư Paul Light từ Đại học New York, có khoảng 5,2 triệu người lao động đang làm việc cho các nhà thầu của Chính phủ Mỹ.

Theo một khảo sát của Wall Street Journal, tính từ đầu tháng này, các nhà thầu chính phủ tại bang Maryland có kế hoạch sa thải khoảng 1.350 nhân sự - một con số nhiều hơn đáng kể so với 226 nhân sự trong cuộc khảo sát tương tự vào tháng 2 năm ngoái.

Tại quận Columbia, thủ đô Washington, số lượng đơn xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động không phải công chức tăng lên đáng kể trong những tuần gần đây.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm nhân sự tại các cơ quan chính phủ như Bộ Giáo dục - nơi chỉ có khoảng 4.400 nhân sự - cũng có thể làm gián đoạn dòng tiền trợ cấp cho các bang và các đối tượng nhận tiền khác.

“Nếu như cắt giảm 20% nhân sự mà 80% còn lại vẫn hoàn thành tốt công việc cần làm, thì đó chỉ là lỗi làm tròn”, nhà kinh tế Robert Barbera của Đại học Johns Hopkins nhận xét. “Nhưng nếu việc giảm 20% nhân sự và làm gián đoạn dòng tiền, thì đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác”.

Tại Mỹ, công chức liên bang là những người có trình độ học vấn cao hơn và nhiều tuổi hơn so với mức bình quân. Họ có kỹ năng chuyên môn và hầu hết đang sống ở xa những nơi có công việc phù hợp với họ. Tất cả những điều này có thể đẩy nhóm công chức mất việc rơi vào cảnh thất nghiệp kéo dài.

Bên cạnh đó, kế hoạch cắt giảm công chức của Chính phủ diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ đứng trước không ít nguy cơ do doanh nghiệp đối mặt nhiều yếu tố bất định.

Thuế quan và mối lo về thuế quan đang khiến nhiều doanh nghiệp nước này gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, các biện pháp hạn người nhập cư và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đang làm giảm nguồn cung lao động với một số nhóm doanh nghiệp. Tình thế bất định về nguồn tài trợ cũng đang khiến một số trường đại học dừng tuyển dụng.

Bối cảnh này khiến nhiều người Mỹ bắt đầu lo lắng. Theo một khảo sát của Đại học Michigan được công bố vào thứ Sáu tuần trước, hơn 50% người Mỹ được hỏi dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên trong năm nay. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các cuộc khảo sát tương tự kể từ tháng 4/2020 - thời điểm đỉnh dịch Covid-19.

"Chúng ta liên tục nghe được những tin tức riêng lẻ và tình hình có vẻ không quá tệ, nhưng cộng tất cả lại, thì đây là một vấn đề lớn”, nhà kinh tế Jesse Rothstein của Đại học California Berkeley, cũng là nhà kinh tế trưởng của Bộ Lao động Mỹ năm 2010, nhận xét.