14:03 03/11/2022

Thị trường “vé Tết” bắt đầu sôi động

Tường Bách

Tết Quý Mão 2023 đang đến gần với kỳ vọng về một năm mới trọn vẹn sau hai năm “hạn chế tụ tập đông người” để phòng chống dịch. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, thăm thân của người dân, cả ngành đường sắt và ngành hàng không đều đã lên kế hoạch tăng chuyến từ rất sớm...

Ảnh: Haraco
Ảnh: Haraco

Ngành hàng không đã trải qua hai cao điểm Tết 2021 và 2022 đầy biến động. Ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 trong hai năm qua không chỉ khiến cho sản lượng hành khách đi lại trong dịp Tết bị sụt giảm nghiêm trọng mà còn tạo ra một thị trường vé Tết thất thường và đầy biến động. Điển hình nhất là cao điểm Tết Nhâm Dần 2022.

Còn với ngành đường sắt, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vé tàu tết ế kỷ lục. Để thu hút hành khách, ngành đường sắt đã phải đồng thời áp dụng nhiều chính sách như giảm giá cho cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể 2 - 13%, giảm giá vé tàu khứ hồi… Dịp Tết năm nay, toàn ngành đang kỳ vọng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

VÉ TÀU NÓNG DẦN

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) Đỗ Văn Hoan cho biết để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 9/1/2023 (tức ngày 18 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 5/2/2023 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy 22 đôi tàu, gồm: 12 đôi tàu thường xuyên; 10 đôi tàu chạy tăng cường trước và sau kỳ nghỉ Tết trên các tuyến.

Từ ngày 11/10, ngành đường sắt đã phục vụ hành khách đăng ký mua vé tập thể. Từ 8h sáng ngày 25/10, ngành Đường sắt tổ chức mở bán vé rộng rãi cho tất cả khách hàng có nhu cầu mua vé tàu Tết tại các ga đường sắt, website, tổng đài bán vé và các ứng dụng trên thiết bị di động. Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, vào các ngày cao điểm khi nhu cầu của hành khách tăng cao sẽ mở bán ghế phụ, đối với toa ghế ngồi cứng là 10 ghế, các loại toa khác là 7 ghế.

Dù giá vé tàu dịp Tết Nguyên đán 2023 tăng 2 - 10% so với ngày thường đối với một số chặng đông khách, tăng từ 1 - 6% so với giá vé tàu Tết năm ngoái, nhưng chỉ 1 ngày sau khi chính thức mở bán, ngành đường sắt thu hơn 57 tỷ đồng khi bán thành công hơn 33.000 vé. Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết số lượng khách mua vé tàu Tết qua hình thức trực tiếp tại ga Sài Gòn và qua các kênh trực tuyến liên tục tăng.

Sau một tuần mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (ngày 25/10/2022), Haraco đã bán được hơn 27.400 vé với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.
Sau một tuần mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (ngày 25/10/2022), Haraco đã bán được hơn 27.400 vé với doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.

Ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, cho biết đến sáng 2/11, ngành đường sắt đã bán được khoảng 72.000 vé trong tổng số hơn 176.000 vé tàu cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2023. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các chặng ngắn từ Sài Gòn đi khu vực miền Trung giai đoạn trước Tết (từ 24 - 27 tháng Chạp và sau tết từ 5 - 8 tháng Giêng).

Khảo sát trên website của đường sắt Việt Nam, giai đoạn cao điểm tết từ 17 – 20/1 (nhằm 26 - 29 tháng Chạp), chặng từ Sài Gòn - Quy Nhơn cũng đã “khóa sổ”. Chỉ còn một số chuyến về Đà Nẵng, Nha Trang còn nhiều ghế ngồi giá 823.000 đồng/vé. Số lượng ghế nằm hơn 1,3 triệu đồng/vé cũng khan hiếm.

Cùng với đó là tình trạng nhiều khách hàng chỉ tập trung tìm vé tàu SE mà tàu này thường ưu tiên bán vé chặng dài, trong khi nhiều tàu khu đoạn chặng ngắn về Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang như tàu SE26, SE22, SQN, SNT còn vé nhưng khách không mua.

“Chúng tôi đang cân đối để tiếp tục tăng cường vé bổ sung, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về quê ăn tết của bà con. Có thể tính toán nối thêm toa nhưng vẫn phải phụ thuộc vào những đoàn tàu còn chiều dài thì mới nối thêm được. Nếu có thể sắp xếp, hành khách về trước 23 tháng chạp và đi sau ngày 10 tháng giêng thì cũng còn rất nhiều vé”, ông Thái Văn Truyền thông tin.

VÉ MÁY BAY: CHƯA “SỐT” MÀ ĐÃ ĐẮT

Tương tự, các hãng hàng không cũng đã mở bán vé mùa Tết từ tháng 8/2022, mới nhất là Vietravel Airlines chính thức bán vé Tết vào tháng 10, tốc độ "chốt vé" thành công trên hệ thống bắt đầu tăng. Mở bán vé Tết từ 15/8 đến 20/10, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng: Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết, số lượng hành khách đặt vé dịp Tết năm nay tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê mới nhất của Cục hàng không Việt Nam, hiện tại các hãng bay trong nước đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến (32%) từ 25.613 chuyến lên 33.691 trong dịp Tết. Các chuyến bay trung bình/ngày tăng 261 chuyến/ngày, từ 826 lên 1.087 chuyến.

 
Hiện vé tàu Tết Quý Mão 2023 xuất phát từ TP.HCM đi khu vực miền Trung đã hết khiến nhiều người không thể đặt mua. Ngành đường sắt đang đánh giá nhu cầu của hành khách để tăng thêm vé chặng cho khu vực này.

Theo khảo sát, giá vé khứ hồi các chặng đi và đến từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1 (tức 29 Tết) đến 26/1 (mùng 5 Tết) đang ở mức rất cao. Theo đó, khách chọn bay sớm từ 5h30 hoặc 23h, giá vé khứ hồi thấp nhất (gồm thuế phí) của Vietjet 5,3 triệu đồng, Vietnam Airlines từ 6 - 7 triệu đồng, thậm chí có những khung giờ đã hết hạng vé tiết kiệm. Giá vé của Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng đều trên mức 6 triệu đồng cho hành trình khứ hồi ở cùng thời điểm.

Các đường bay đến Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa dịp Tết vẫn trong tình trạng giá vé cao chót vót. Số chuyến bay ít, nhu cầu lại cao khiến giá vé luôn bị đẩy lên. Đơn cử chặng TP.HCM - Vinh, vé của Vietjet có giá 6,6 triệu đồng, 7 triệu đồng của Vietnam Airlines, 7,1 triệu đồng của Bamboo Airways. Chặng Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An... có giá dao động từ 4,8 - 7,3 triệu đồng…

Theo các đại lý vé, giá vé Tết Quý Mão 2023 tăng 5 - 10% so với năm ngoái, các hạng vé mềm hơn như phổ thông tiết kiệm, phổ thông tiêu chuẩn đều khan hiếm. Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, năm nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc đi lại bằng đường hàng không đã trở về như thời điểm trước dịch.

Theo quy luật thị trường, nhu cầu tăng đột biến, nguồn cung tăng nhưng khó dư thừa, vì vậy, càng đặt mua vé máy bay Tết sớm càng rẻ. Nếu có điều kiện về thời gian, hành khách có thể lùi ngày bay qua những ngày cao điểm Tết để có vé rẻ, thậm chí vé giá 0 đồng luôn có nhiều.

Theo khảo sát, giá vé khứ hồi các chặng đi và đến từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1 đến 26/1 đang ở mức rất cao. Ảnh: Vietravel Airlines 
Theo khảo sát, giá vé khứ hồi các chặng đi và đến từ TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1 đến 26/1 đang ở mức rất cao. Ảnh: Vietravel Airlines 

Mặc dù chưa ghi nhận tình trạng “cháy vé” như nhiều năm trước, nhưng khảo sát trên trang bán vé trực tuyến Abay, vé của Vietnam Airlines những ngày cao điểm tết (từ 26 - 29 tháng Chạp), chặng TP.HCM - Hà Nội hầu hết đã ở mức chạm trần, gần 3,6 triệu đồng/chiều; chặng TP.HCM - Đà Nẵng giá vé cũng hơn 2,5 triệu đồng/chiều, tương đương mùa Tết các năm trước. Ở phân khúc thấp hơn nhưng giá vé rẻ nhất cùng chặng TP.HCM - Hà Nội của Vietjet, Bamboo Airways hay Vietravel Airlines cũng đã lên hơn 3 triệu đồng/chiều.

Những ngày gần đây, lượng vé Tết bán ra đang tăng nhanh, có thời điểm, lượng vé bán ra tuần sau cao hơn tuần liền trước tới 50%. Hãng hàng không Vietravel Airlines hồi tháng 10 đã thông báo mở bán 70.000 chỗ, đến nay tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay của hãng trong dịp Tết đã đạt 75%. Hai hãng hàng không Vietjet và Bamboo Airways dù không công bố lượng vé bán ra, nhưng theo khảo sát, mức vé rẻ đã không còn nhiều mặc dù các chuyến bay đều còn chỗ.