19:36 16/04/2014

“Thời gian thăng mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm”

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Tuổi Trẻ.<br>
Còn khá nhiều băn khoăn về quy định thăng, phong thăng quân hàm cấp tướng tại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trình bày tờ trình dự án luật tại phiên họp sáng 16/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, theo dự thảo luật thì số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.

Cụ thể, dự thảo luật đã bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với các chức vụ: tổng giám đốc tổng công ty loại 1; tham mưu trưởng quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, tổng cục.

Thời hạn xét thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng là 4 năm là nội dung mới được bổ sung. Tuy nhiên không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng.

Giải thích về sự “chưa thể thực hiện được toàn diện, triệt để” yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị về quy định cứng thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng này, Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng luật hiện hành không quy định thời hạn xét phong, thăng quân hàm cấp tướng nên bộc lộ nhiều bất cập. Quy định của Bộ Chính trị: “Thời gian thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng và thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng tối thiểu là 4 năm, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định”, theo cơ quan thẩm tra là một chủ trương đúng đắn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý, thời hạn thăng quân hàm các cấp dưới cấp tướng có thể ngắn hơn, còn thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng vẫn phải có. Có niên hạn nhưng không nhất thiết để quy định nó buộc mình, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng tiêu chí thì có thể phong trước niên hạn, Chủ tịch nói.

Cũng băn khoăn là nếu không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng thì không đúng yêu cầu của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết sẽ tiếp thu thời hạn là 4 năm, còn trường hợp cần thiết phong trước niên hạn thì do cấp thẩm quyền quyết định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý, nên quy định cứ bổ nhiệm vào chức vụ nào thì phong luôn cho quân hàm cao nhất ngay, ví dụ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng là được phong hàm đại tướng.

 Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội nói thêm, dù trước đó chỉ là thượng tướng thì nếu được bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng thì ngay lập tức phong hàm đại tướng.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nhất thiết cứ được bổ nhiệm là phong ngay quân hàm cao nhất của chức vụ đó mà nên tùy từng trường hợp.

Bên cạnh nội dung nói trên, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Dẫn điều 88 Hiến pháp giao Chủ tịch nước phong, thăng quân hàm cấp tướng, cơ quan thẩm tra cho rằng nên đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng quy định chức vụ tương đương với các chức vụ cơ bản có trần quân hàm cao nhất là thiếu tướng, trung tướng.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, quy định như dự thảo luật là hợp lý.

Theo đó, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân.

Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thứ trưởng; phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; chủ nhiệm tổng cục, tổng cục trưởng, chính ủy tổng cục; tư lệnh quân khu, chính uỷ quân khu; tư lệnh quân chủng, chính uỷ quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam và các chức vụ khác theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ và phong, thăng, giáng, tước các cấp bậc quân hàm còn lại.

Tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.