Thống đốc đã thực hiện cam kết về quản lý tiền ảo như thế nào?
Kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ có trong danh sách "chia lửa", cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Vào đầu tuần sau, từ 4 - 6/6 Quốc hội sẽ bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ
Kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ có trong danh sách "chia lửa", cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể .
Song, cũng như nhiều thành viên Chính phủ khác, Thống đốc đã gửi báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội đến các vị đại biểu.
Tại đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nêu nhiều thông tin về kết quả thực hiện các vấn đề đã cam kết tại phiên trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 4 (cuối 2017) của Quốc hội) và tại các văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Một trong số các cam kết đó là phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp (đơn vị được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu một đề án về các khuôn khổ pháp lý để quản lý đồng tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có Bitcoin) có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo, trong đó có Bitcoin, hoàn thiện đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, ngày 21/8/2017, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Bộ Tư pháp làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.
Thống đốc cho biết, thời gian qua các cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Thông tin tiếp theo từ Thống đốc là để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng ban hành chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Trong đó, liên quan đến hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật, tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Thực hiện chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu để ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan khác triển khai một số giải pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.
"Mặt khác, liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tham gia ý kiến đối với báo cáo số 35/BC-BTP của Bộ Tư pháp, đồng thời nêu rõ quy định không công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam", Thống đốc trình bày tại báo cáo.