Thống kê cho thấy VN-Index thường hồi phục mạnh sau 1 tuần, 1 tháng khủng hoảng
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường ổn định và phục hồi trong khoảng 1 tuần đến 1 tháng từ các đợt giảm điểm lớn (2018-2024)...

Việt Nam không áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. So với các quốc gia khác, Việt Nam duy trì mức thuế thậm chí còn hợp lý hơn. Theo thống kê từ BSC, thuế quan trung bình đơn giản của Việt Nam với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ chỉ 9% trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ 13,7%; Hàn Quốc; Thái Lan 9,20%.
BSC đánh giá, mức thuế đối ứng 46% bất ngờ với Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Triển vọng kinh doanh sụt giảm mạnh do biểu thuế quan quá cao khiến các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia cùng xuất khẩu vào Mỹ. Giá hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ tăng cao, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp FDI.
Khi cuộc chiến thương mại leo thang, các bên liên quan tiến hành biện pháp trả đũa, đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các kênh tài sản rủi ro để tìm kiếm đến các kênh tài sản an toàn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp rút khỏi các quốc gia, được cho là trung tâm sản xuất, như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,….
Về tỷ giá, kinh tế Hoa Kỳ chậm lại trong những tháng gần đây và xu hướng lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt kể từ đỉnh năm 2022. Hơn thế nữa, FED hiện vẫn đang giữ mặt bằng lãi suất ở mức tương đối cao, khác biệt hoàn toàn so với thời nhiệm kỳ 1 của ông Donald Trump, do đó, khả năng để FED tăng lãi suất là không quá cao.
Việc cuộc thương chiến leo thang có thể gây ra suy thoái trên diện rộng, trong đó Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, từ đó khiến FED phải cố gắng duy trì chỉnh sách tiền tệ hướng đến việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với việc FED không nhiều khả năng duy trì lãi suất ở mức cao, do đó, áp lực tỷ giá mà FED gây ra cũng phần nào được hạn chế.
Thuế 46% là mức có thể đàm phán, và Việt Nam đang tích cực tìm kiếm giải pháp, và mức thuế khi áp dụng nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức công bố hiện tại (kịch bản xấu nhất). Trong trường hợp áp dụng, thì thuế đối ứng nhìn chung có tác động đến FDI, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ, và gián tiếp tới các ngành phụ trợ như KCN, logistic... và có tác động tới tỷ giá, tăng trưởng GDP và dòng vốn FDI và FII.
Đối với thị trường chứng khoán, theo thống kê của BSC, thị trường chứng khoán các quốc gia bị áp thuế trước (Canada, Mehico) thường ổn định lại sau 1 tháng áp thuế. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường ổn định và phục hồi trong khoảng 1 tuần đến 1 tháng từ các đợt giảm điểm lớn (2018-2024).
Ví dụ, sau sự kiện dàn khoan HD981 năm 2024 VN-Index giảm 5%. Phiên giảm điểm 8/5/2014 là phiên giảm điểm mạnh khi thị trường điều chỉnh từ 15/4 sau đó hai ngày tiếp tục giảm sâu và tạo đáy sau 2-3 phiên giao dịch.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam giai đoạn 25/1-23/2/2018. Thị trường chứng khoán giảm mạnh do áp lực bán tháo từ các thị trường trên thế giới do lo ngại từ FED có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục lại sau 7 phiên giao dịch, quá trình hồi phục bắt đầu từ 9/2/2018 - 21/2/2019. Thị trường hồi phục tăng trở lại 9% trước khi chính thức bước vào đợt bear market tạo đỉnh vào ngày 10-11/4/2018 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, áp lực tỷ giá, vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán. Chuỗi giảm điểm trong bear market này chứng kiến nhiều phiên giảm từ 2-3,8%, không có những pha giảm điểm sốc trên 4%.
Giai đoạn covid, chuỗi giảm điểm sâu do đại dịch covid bắt đầu kể từ tháng 2/2020, market chính thức bước vào bear market sau phiên giảm 12/3/2020. Market chính thức tạo đáy vào phiên 30-31/2020 và bắt đầu chu kỳ tăng mạnh mẽ sau đó.
"Chỉ có khoảng 5,5% vốn hóa HOSE là các Doanh nghiệp có xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tỷ trọng xuất khẩu cũng như mức áp thuế cũng đang khác nhau, nên không thể đánh đồng tác động. Nhà đầu tư nên thận trọng, cân đối lại tỷ lệ đòn bẩy, và tập trung vào các doanh nghiệp ít chịu tác động của chính sách thuế quan", BSC khuyến nghị.