07:53 10/07/2024

Thống kê dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phụ nữ ngày càng “ngại” sinh con

Thi Nguyễn

Số con trung bình của một phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong độ tuổi sinh sản đang nằm trong nhóm thấp nhất cả nước và đang xu hướng giảm ở mức cảnh báo. Trong năm 2024, Thành phố đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 1.36 con/phụ nữ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2023, mức sinh của Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể so với 10 năm trước. Cụ thể, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản năm 2023 là khoảng 1,32 con/phụ nữ, trong khi đó vào năm 2013 là 1.68 con/phụ nữ.

Trong năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức 1.36 con/phụ nữ. Hiện nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục thống kê và phân tích dữ liệu một cách chi tiết hơn, nhưng dự báo con số này chỉ có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023.

Chị Thùy Linh (32 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết chị có ý định sinh thêm con thứ hai trong tương lai nhưng vấn đề chị lo ngại nhất là mức sống hiện nay ngày càng cao, việc sinh và nuôi một đứa trẻ không hề dễ dàng. Theo chị Linh, chi phí để nuôi một em bé hiện nay còn nhiều hơn chi phí sinh hoạt của một người trưởng thành.

Trong khi đó, chị Duyên Anh (26 tuổi, quận Gò Vấp) quyết định sẽ không có thêm con thứ hai vì vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, nuôi dạy một đứa trẻ trong những năm đầu tốn nhiều thời gian và không thể phát triển được chuyên môn của bản thân trong công việc.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến phụ nữ tại Thành phố chọn sinh ít hoặc không sinh con như áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức sống đắt đỏ, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao, cần thời gian cho bản thân hơn... Một số người sợ mất việc cũng như cơ hội thăng tiến khi sinh con, không đủ điều kiện chăm con tốt nhất.

Nhiều cặp vợ chồng có quan điểm kết hôn muộn và sinh ít con để tập trung mọi nguồn lực về tài chính, thời gian và sức khỏe để chăm sóc và đầu tư cho con cái. Ngoài ra, việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người.

Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội,...

Bên cạnh đó, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động giảm, tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, dân số bị suy giảm nghiêm trọng làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế.

Đồng thời, mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh - xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.

Cuối tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch hoạt động công tác Dân số năm 2024 trên địa bàn.

Kế hoạch nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thích ứng với già hóa dân số; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. 

Theo đó, năm 2024, Thành phố đặt chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh là 1,36 con/phụ nữ; điều chỉnh mức sinh (+CBR) so với năm 2023 tăng 0,5 điểm %. Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm 450.000 người; Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn là 10% so với năm 2023.

Ngoài ra, tỷ số giới tính khi sinh <107 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 15% so với năm 2023.

Thành phố cũng đặt chỉ tiêu tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) là 85%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) là 82%; Tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi; Quản lý, cập nhật 100% số bà mẹ mang thai, số trẻ sinh sống thực tế cư trú tại địa bàn.

 

Năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người, năm 2023 là khoảng 1,32 con/phụ nữ. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm , 2020 là 1,53.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỷ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15  - 20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.