13:36 05/07/2024

Dân số lão hóa và suy giảm đe dọa kinh tế Trung Quốc

An Huy

Dân số Trung Quốc đang suy giảm, và sự dịch chuyển nhân khẩu học này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế, làm suy giảm lực lượng lao động và gây áp lực lên chính sách tài khoá...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

“Dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ giảm rất nhanh trong 1 thập kỷ tới, khiến nền kinh tế nước này mất đi 1% trong tăng trưởng GDP mỗi năm trong 10 năm tới”, ông Darren Tay - trưởng bộ phận phân tích rủi ro quốc gia châu Á tại công ty phân tích BMI Country Risk & Industry Analysis - nhận định với hãng tin CNBC. Đánh giá này được ông Tay đưa ra dựa trên dữ liệu về dân số thế giới của Liên hiệp quốc.

“Sức ép tài khóa do dân số lão hóa là nhãn tiền và đáng lo ngại”, một báo cáo hồi đầu năm nay của tổ chức nghiên cứu The Economist Intelligence Unit (EIU) cảnh báo. “Tăng trưởng kinh tế tùy thuộc vào năng suất lao động, tích tụ vốn và đầu vào nhân công. HIệu ứng tiêu cực của một bức tranh nhân khẩu học bất lợi sẽ được thể hiện chủ yếu qua lực lượng lao động suy giảm”.

Tăng tuổi nghỉ hưu là “một trong số ít những lựa chọn khả thi” để duy trì cân bằng ngân sách trong dài hạn - theo EIU. “Ước tính của chúng tôi cho thấy nếu đến năm 2035 tuổi nghỉ hưu tăng lên 65 tuổi, thâm hụt ngân sách lương hưu có thể giảm 20% và tiền lương hưu ròng mà người hưu trí được nhận có thể tăng 30%, đồng nghĩa giải tỏa áp lực cho các chính phủ và hộ gia đình.

CÂU CHUYỆN KHÔNG CHỈ CỦA TRUNG QUỐC

Tỷ lệ sinh đang giảm trên khắp thế giới do phụ nữ chọn có con muộn hơn so với trước kia, hoặc thậm chí không sinh con.

Tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ sinh đã giảm từ mức khoảng 3,3 con/phụ nữ vào năm 1960 xuống còn 1,5 con/phụ nữ vào năm 2022 - theo số liệu của OECD. Trong khi đó, tỷ lệ sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì dân số mà không cần tới người nhập cư - là 2,1 con/phụ nữ.

Tại Trung Quốc, dân số đã giảm năm thứ hai liên tiếp trong năm 2023, còn 1,409 tỷ người, ít hơn 2,08 triệu người so với năm trước - theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê nước này. Mức giảm dân số Trung Quốc năm 2023 nhiều hơn mức giảm 850.000 người ghi nhận vào năm 2022 - năm đầu tiên kể từ nạn đói đầu thập niên 1960 số người chết ở nước này nhiều hơn số trẻ em được sinh ra.

“Đây là một hệ quả của chính sách một con thiết lập vào năm 1980”, theo giám đốc nghiên cứu vĩ mô Erica Tay của ngân hàng Maybank.

Theo một số dự báo, dân số Trung Quốc đến năm 2050 sẽ giảm còn 1,317 tỷ người và đến năm 2100 sẽ giảm gần một nửa so với hiện nay, còn 732 triệu người. Tỷ lệ sinh ở nước này đang giảm nhanh hơn so với ở các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản - theo nhà kinh tế cấp cao Tianchen Xu của EIU. Ông Xu cho rằng 3 quốc gia này đang bị ảnh hưởng đặc biệt nhiều bởi tình trạng lão hóa dân số nhanh chóng, chủ yếu do mức sống tăng lên - yếu tố có một “mối quan hệ tỷ lệ nghịch rất mạnh mẽ với tỷ lệ sinh”.

Vị chuyên gia nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ rất cao trong 3 thập kỷ và sự phát triển kinh tế của nước này không chỉ nhanh mà còn phủ rộng. Trong khi đó, hệ thống phúc lợi của Trung Quốc còn chưa đuổi kịp sự phát triển kinh tế và hỗ trợ của nhà nước cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ “còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế”. Bên cạnh đó, giá nhà tăng chóng mặt cũng là một lý do khiến tỷ lệ sinh giảm sút.

“Chính phủ Trung Quốc về cơ bản không quản lý được sự leo thang chóng mặt của giá nhà”, ông Xu nói, cho rằng khi nhà ở càng đắt đỏ, giới trẻ càng khó mua nhà và dẫn tới trì hoãn việc lập gia đình.

Tại các nước giàu, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây đã đưa mức thu nhập tăng lên, kèm theo đó cơ hội giáo dục và nghề nghiệp rộng mở hơn cho phụ nữ. Điều kiện tốt lên như vậy đồng nghĩa chi phí cơ hội lớn hơn của việc sinh con. “Ở các xã hội phát triển hơn, khuynh hướng là cha mẹ đối mặt với chi phí nuôi dạy con cao hơn, và điều này thường khiến họ ngại sinh con. Nền kinh tế càng phát triển, người lao động trong nền kinh tế càng phải có nhiều kỹ năng. Bởi thế, mức độ đầu tư vào mỗi đứa trẻ cũng phải tăng lên”, ông Tay phát biểu.

Văn hóa làm việc ở châu Á cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của tỷ lệ sinh. “Tại các nước châu Á, có một tư duy đã ăn sâu là ưa chuộng thời gian làm việc kéo dài, nhất là ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á. Những nước này có tổng số giờ làm việc dài nhất thế giới, nên người lao động có ít thời gian hơn cho việc xây dựng gia đình”, ông Xu nói.

TRUNG QUỐC ỨNG PHÓ DÂN SỐ GIẢM

Tỷ lệ sinh giảm gây áp lực lên nền kinh tề và xã hội vì khiến lực lượng lao động giảm theo. “Tỷ suất sinh của một quốc gia tại một thời điểm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động ở thời điểm khoảng 2 thập kỷ sau đó”, bà Tay của MayBank nói. Ngoài ra, tỷ lệ sinh giảm có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ người già cần được thế hệ trẻ hơn chăm sóc, từ đó có thể “đặt ra “gánh nặng quá mức đối với hệ thống y tế và lương hưu của một quốc gia”.

Cuối cùng, áp lực đối với thế hệ trẻ hơn sẽ tăng lên vì họ vừa phải chăm sóc con nhỏ vừa phải chăm sóc cha mẹ già. Sự dịch chuyển nhân khẩu học này tại nhiều nền kinh tế châu Á là một vấn đề mang tính cấu trúc đòi hỏi “nỗ lực toàn diện và quyết liệt của chính phủ” cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ - bà Tay phát biểu.

Theo ông Xu, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đang nhấn mạnh việc tăng trưởng năng suất lao động. “Họ đã nhận thấy sự giảm sút mạnh mẽ trong đóng góp của nhân công vào tăng trưởng GDP. Đây là một sự sụt giảm mà không một dạng can thiệp chính sách ngắn hạn nào có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao họ tập trung vào tăng trưởng năng suất”, ông nói.

Vì vậy, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp kỹ thuật số và phát triển các công nghệ như tự động hóa và con chip tiên tiến, với mục tiêu đưa các ngành công nghiệp truyền thống trở nên hiệu quả hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động trong nền kinh tế. Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện môi trường lao động, bao gồm các biện pháp như tăng cường thực thi luật lao động và thúc đẩy cân bằng công việc-cuộc sống, ông Xu nhận định.

Các nhà kinh tế học cũng đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc nên tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này, có thêm chính sách hoàn thuế cho người nuôi con nhỏ, và đẩy mạnh nỗ lực xây dựng nhà ở giá phải chăng.

Dù biến động nhân khẩu học đang khiến kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này đã tăng bình quân mỗi năm 9% kể từ năm 1978 - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo ông Tay của BMI, xét cho cùng, ngay cả khi tăng trưởng chỉ đạt mức khoảng 3%, đó cũng không phải là một thảm họa đối với nền kinh tế Trung Quốc. “Mức tăng trưởng như vậy có lẽ lại bền vững hơn và người dân Trung Quốc bình thường đến năm 2033 vẫn có thu nhập thực tăng thêm 13% so với hiện tại. Bởi vậy, mức sống của họ sẽ tiếp tục tăng”, ông Tay nói.