09:12 25/10/2011

Thu hút FDI: Nhà đầu tư “cũ” tin tưởng?

Anh Quân

Cả số dự án tăng vốn và vốn đăng ký tăng thêm đều đột ngột thay đổi rất mạnh trong tháng 10

Dù là diễn biến ngắn hạn có cải thiện, tính từ đầu năm đến nay Việt Nam mới thu hút được gần 11,3 tỷ USD vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù là diễn biến ngắn hạn có cải thiện, tính từ đầu năm đến nay Việt Nam mới thu hút được gần 11,3 tỷ USD vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả số dự án tăng vốn và vốn đăng ký tăng thêm đều đột ngột thay đổi rất mạnh trong báo cáo tháng 10 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng qua cho thấy những thay đổi lớn của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh vẫn là những mảng sáng về hoạt động ngoại thương, nhưng đan xen là vốn đăng ký mới chưa chịu bứt phá.

Vốn tăng thêm vượt đăng ký mới

Với con số quan trọng nhất, giải ngân vốn FDI tháng này tiếp tục đạt 900 triệu USD như tháng 9, đưa tổng vốn giải ngân đến thời điểm này đạt 9,1 tỷ USD. Tuy nhiên trong so sánh với cùng kỳ, giải ngân FDI từ mức cao hơn 2%, nay chỉ còn 1%.

Như vậy, cho đến thời điểm này, còn rất ít “cửa” để thu hút vốn FDI cả năm đạt mục tiêu 11,5 tỷ USD giải ngân như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.

Thông tin liên quan là mới đây, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam Alain Cany cho biết, các doanh nghiệp thuộc tổ chức này đang ngày càng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu do những bất ổn vĩ mô trong nước.

Nhưng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng lại có góc nhìn khác. Trao đổi với VnEconomy chiều 24/10, ông Hoàng cho rằng, những nhà đầu tư bên ngoài còn đang theo dõi, tìm cơ hội, trong khi thực tế những doanh nghiệp đã đầu tư ở giai đoạn trước, đến thời điểm này đều tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam.

Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong tháng 10 cả số liệu về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và tăng vốn đều phục hồi trở lại, đặc biệt là vốn từ các dự án đã đầu tư giai đoạn trước, nay đăng ký tăng vốn để mở rộng quy mô.

Cụ thể, đã có thêm 186 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng qua với tổng vốn đăng ký đạt 638 triệu USD, tăng gấp khoảng 2 lần so với tháng 8 và tháng 9.

Đồng thời, có 86 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm lên tới 732 triệu USD, cao hơn cả số vốn đăng ký mới trong tháng 10, cũng là con số cao nhất trong một tháng kể từ đầu năm đến nay.

“Đây là dấu hiệu tốt, bởi vì nó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, đang tin tưởng vào cơ hội kinh doanh hiệu quả tại đây, sẽ chứng minh cho những nhà đầu tư khác còn đang xem xét, tìm cơ hội”, ông Hoàng nói với VnEconomy.

Nhưng dù là diễn biến ngắn hạn có cải thiện, tính từ đầu năm đến nay Việt Nam mới thu hút được gần 11,3 tỷ USD vốn đăng ký cả cấp mới và tăng vốn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu thu hút 20 tỷ USD trong năm nay đã xa khỏi tầm với.

Thu hút FDI “lệch quang gánh”

Một điểm đáng chú ý khác là dòng vốn FDI vào Việt Nam có độ lệch rất lớn. Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2011, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới xấp xỉ một nửa tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, đương đương trên 5,63 tỷ USD. Riêng vốn tăng thêm thì lĩnh vực này chiếm hơn 56%, tình từ đầu năm đến nay.

Các lĩnh vực xếp sau bị bỏ lại khá xa. Chẳng hạn, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai mới thu hút được gần 2,53 tỷ USD cả cấp mới và tăng vốn, chiếm tỷ trọng 22,4% tổng vốn đăng ký; xây dựng đứng thứ ba với hơn 712 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,3%...

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng khá thuận lợi trong năm nay, nếu nhìn vào các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng năm 2011 ước đạt 43,2 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; hay 37,08 tỷ USD không kể dầu thô và tăng 36%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cùng thời kỳ ước đạt gần 38,3 tỷ USD, tăng tương ứng 29%.

Với kết quả này, khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu trên 4,9 tỷ USD trong 10 tháng năm 2011, nếu kể cả kim ngạch dầu thô; hay nhập siêu hơn 1,2 tỷ USD, nếu không tính giá trị xuất khẩu sản phẩm này.