10:02 10/08/2011

Chiến lược FDI sẽ thay đổi cơ bản cách tiếp cận?

Hoài Ngân

Một chiến lược mới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng

Bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Một chiến lược mới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là sự thay đổi khá cơ bản trong cách tiếp cận với nguồn vốn này.

Nhấn mạnh yếu tố bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì “nghiên cứu xu hướng và chiến lược đầu tư của một số đối tác có tiềm năng để có phương án chủ động vận động các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Bản đề án đang được các chuyên gia của Bộ soạn thảo sẽ tập trung vào việc xác định rõ vai trò của FDI trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 cũng như chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020; trong đó phân tích, đánh giá tổng quan ưu, nhược điểm các chính sách thu hút FDI và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và xây dựng tiêu chí đối tác chiến lược trong thu hút FDI.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu xu hướng vận động FDI của các đối tác chiến lược và khả năng tiếp cận của Việt Nam trong việc tiếp nhận FDI từ các đối tác này, đồng thời duy trì và phát triển xu hướng đó theo định hướng của Chính phủ.

Quan trọng hơn, từ các kết quả nghiên cứu này, Bộ sẽ kiến nghị, đề xuất hoặc điều chỉnh chính sách thu hút và xúc tiến đầu tư đối với các đối tác chiến lược của Việt Nam, qua đó tạo nền tảng cho việc nghiên cứu xây dựng chiến lược xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn.

Đáng chú ý là, thay vì tự lập ra “chiến lược”, lần này Bộ sẽ huy động sự tham gia, đóng góp của các nguồn lực trong xã hội như các tập đoàn đa quốc gia, các quốc gia, giới học giả hàn lâm, khu vực tư nhân, tư vấn trong nước và quốc tế… Một ban cố vấn cũng đã được thành lập, với đại diện là các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế, có kinh nghiệm thực tiễn hoặc nghiên cứu chuyên sâu về đối tác chiến lược.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thì đã đến lúc Việt Nam cần có sự lựa chọn kỹ càng hơn, nhằm tăng chất lượng và tính bền vững của dòng vốn FDI.
 
“Công bằng mà nói, vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn FDI đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do đặc thù thiếu vốn đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực với mọi quy mô”, ông Hoàng phân tích. “Nhưng trong giai đoạn tới, càng cần có cách nhìn, cách tư duy mới để có những giải pháp hài hòa giữa yếu tố thúc đẩy tăng trưởng với xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, chất lượng và phát triển bền vững”.

Một loạt các vấn đề tồn tại trong thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài đã được các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mổ xẻ, chẳng hạn Việt Nam hiện còn thiếu một chiến lược về đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia mang tính dài hạn và cụ thể.

Vẫn theo ông Hoàng, một trong những mục tiêu trong việc thu hút FDI là thu hút vốn và công nghệ vào những ngành, lĩnh vực mà phía Việt Nam chưa làm theo hình thức hợp tác công - tư, đồng thời đẩy mạnh thu hút FDI vào các lãnh vực sản xuất chế tạo, tạo nhiều giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Một mục tiêu quan trọng khác là cần nghiên cứu xu hướng vận động FDI của các đối tác chiến lược và khả năng tiếp cận của Việt Nam trong việc tiếp nhận FDI từ các đối tác này.

Thay thế các “tiêu chuẩn”

Bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Theo TS. Nguyễn Đức Thắng, một chuyên gia về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì một trong những yếu tố khiến cho Việt Nam trở thành một trong những “thiên đường đầu tư” chính là các tiêu chuẩn quá thấp về môi trường.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác có môi trường đầu tư tốt hơn Việt Nam nhiều nhưng không “hấp dẫn” bằng Việt Nam, đơn giản là vì tiêu chuẩn của họ cao hơn.
Theo phân tích của ông Thắng, trong một nền kinh tế mà các tiêu chuẩn môi trường thấp, các chi phí cho xử lý nước thải, chất thải được giảm đi rất nhiều, khiến cho Việt Nam trở nên “cạnh tranh” hơn. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm cho tương lai.

Trên thực tế, vấn đề chất lượng dự án, chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được đặt ra ngay từ thời điểm bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần có cách nhìn, cách tư duy mới đối với nguồn vốn quan trọng này.

Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng xây dựng chiến lược thu hút FDI mới cần hướng tới các dự án có chất lượng hơn và sức lan tỏa lớn hơn.

Ông Lộc cho hay kết quả một cuộc điều tra của VCCI cho thấy chỉ có 13,5% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực giá trị gia tăng cao là một tín hiệu đáng lo ngại. “Để thực hiện thành công hướng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư nói chung, cần chuẩn bị tích cực các điều kiện và cũng là những thách thức lớn hiện nay như sự sẵn sàng của nguồn nhân lực có chất lượng, có những biện pháp để giảm thiểu các tranh chấp lao động và đình công, đảm bảo đủ nguồn cung ứng điện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng”, ông nói.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây cũng cho rằng cần thực hiện ngay một số giải pháp cơ bản hơn để nâng cao chất lượng FDI như thay đổi tư duy, quan niệm và có quan điểm mới về thu hút và sử dụng FDI.

Theo các chuyên gia của CIEM, Việt Nam cần gắn chiến lược thu hút với giám sát quá trình thực thi, hoạt động; đề ra các chính sách phù hợp để loại bỏ các dự án không mong muốn và khuyến khích các dự án cần thiết, chú trọng đến chất lượng, đề cao trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư; có các chính sách khuyến khích FDI tạo nhiều việc làm, đầu tư vào các vùng nông  thôn xa thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn…

"Trên cơ sở các tiêu chí này, sẽ đề ra các tiêu chí phù hợp để thẩm định các dự án FDI và các dự án từ các nguồn khác. Việc phê duyệt tất cả các dự án đều phải dựa trên các tiêu chí này", báo cáo của CIEM đề xuất.