Thu thuế cuối năm: Kinh doanh trực tuyến, chứng khoán và bất động sản vào "tầm ngắm"
Để thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng giai đoạn nước rút, ngành Thuế sẽ rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng như kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản...
Chiều ngày 11/10, thông tin về tình hình thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý, Tổng cục Thuế cho biết: “Thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2021 vẫn bám sát dự toán được giao nhưng nguồn tăng thu tập trung chủ yếu trong 4 tháng đầu năm. Từ cuối tháng 4 đến nay, đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới, diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và có nhiều khu công nghiệp lớn, khiến các cơ sở thương mại, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ đã có những ảnh hưởng đến kinh tế và số thu ngân sách nhà nước".
THU NỘI ĐỊA "ĐUỐI SỨC", THÁNG 9 GIẢM 26,5%
Theo cơ quan này, thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) từ mức tăng 19,6% của 4 tháng đầu năm 2021, đến tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ. Tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng “đáng lo ngại” khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm.
Về quy mô, số thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) không kể khoản thu phát sinh theo quý cũng đang giảm mạnh qua từng tháng. Số thu nội địa trong tháng 9 đạt 60,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 3 nghìn tỷ thu phát sinh, giảm khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng so với tháng 8/2021. Nếu không tính khoản thu phát sinh thì số giảm này lên tới khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phố phía Nam nên thu từ lệ phí trước bạ tại các tỉnh này giảm rất sâu. Tháng 8 giảm 56,5%; tháng 9 giảm 48,5% so với cùng kỳ.
Nếu tính theo quý, số thu quý 1 đạt 369.688 tỷ; quý 2 giảm còn 289.717 tỷ và sang quý 3, số thu giảm chỉ còn xấp xỉ 246 nghìn tỷ, bằng 64% quý 1/2021 và bằng 71,9% quý 2/2021. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có số thu thấp trong những tháng gần đây, thấp hơn nhiều so với bình quân chung 7 tháng; nhiều tỉnh trọng điểm thu có số thu giảm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên nhiều tỉnh, thành khiến giãn cách xã hội trên 23 tỉnh thành phố, khiến công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 9, toàn ngành mới thanh, kiểm tra được 46.752 cuộc đạt hơn 51,1% kế hoạch, kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước khoảng 34 nghìn tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh kiểm tra công tác hoàn thuế, kiểm tra chống sai phạm trong hoàn thuế, thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo 63 tỉnh để rà soát, phân tích các mặt hàng có rủi ro. 9 tháng, ngành Thuế thực hiện hơn 3 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra trong hoàn thuế, thu hồi và phạt 690 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Thu hồi nợ thuế 9 tháng đã đạt 22 nghìn tỷ bằng 73% kế hoạch.
Đóng góp số thu lớn trong ngân sách nhà nước, đến hết tháng 9, toàn ngành Hải quan vẫn thu nộp ngân sách ước đạt 285.624 tỷ đồng, bằng 90,6% dự toán được giao, bằng 86,29% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù tổng thu ngân sách 9 tháng qua tăng mạnh, tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, số thu những tháng gần đây có xu hướng giảm. Số thu tháng 9 thấp hơn tháng 7 là 11 nghìn tỷ đồng, tháng 9 thấp hơn tháng 8 là 3,9 nghìn tỷ đồng.
Đáng lưu ý, qua báo cáo của các cục hải quan tỉnh, thành phố cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất do lo sợ dịch bệnh bùng phát ở các nước, nên cuối năm lượng nguyên liệu nhập khẩu sẽ giảm. Do vậy, theo tính toán, 3 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn mà số thu ngân sách giảm mạnh, ước giảm ít nhất 30-35%, nhất là 19 tỉnh phía Nam, hiện đang chiếm 51,6%/tổng thu của toàn ngành.
NGÂN SÁCH CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN
Không chỉ vậy, để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp vượt qua “bão” dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021.
Những giải pháp này đã phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng việc này cũng đã tác động đến tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Tính đến cuối tháng 9/2021, đã có tổng số 138.984 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, trong đó, có 119.508 doanh nghiệp và 19.476 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn là 78.108 tỷ đồng.
"Gói hỗ trợ mới trị giá 21,3 nghìn tỷ đồng, miễn giảm trực tiếp số thuế phải nộp cho doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp không phải chuẩn bị một khoản tiền nộp ngân sách khi đến thời hạn theo quy định, mà dùng nguồn lực đó trang trải những nhu cầu cấp bách hơn như chi phí phòng dịch, hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất hay thanh toán nguyên vật liệu đầu vào".
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế.
Trong 4 tháng đỉnh dịch, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã “rung chuông” báo động về sức khoẻ doanh nghiệp khi 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế, những biến động khó lường của đại dịch qua đợt bùng phát thứ 3 tại các cụm công nghiệp miền Bắc, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và đợt nghiêm trọng lần thứ 4 ở các tỉnh phía Nam, đã có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Trước tình hình cấp bách, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ ban hành gói hỗ trợ mới trị giá 21,3 nghìn tỷ đồng, miễn giảm trực tiếp thuế phải nộp cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, gói hỗ trợ mới chuẩn bị ban hành cũng hướng đến đối tượng dễ chịu tổn thương nhất khi dịch bệnh “càn quét”, là các hộ kinh doanh. Bà Hà cho biết, Bộ Tài chính đề xuất miễn hoàn toàn bất cứ loại thuế phát sinh trong quý 3,4 của hộ kinh doanh, từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tăng gấp đôi mức giảm tiền thuê đất lên đến 30% tổng số thuế phải nộp năm 2021, không giới hạn ngành nghề, phạm vi như trước đây.
TRÁNH THẤT THU
Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị cần tập quản lý thu ngân sách, tránh thất thu. Chi ngân sách đảm bảo triệt để tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, đảm bảo kịp thời kinh phí chống dịch, triển khai kịp thời các gói chính sách kích cầu, tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của ngành cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ mang tính mũi nhọn, thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gia hạn, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn, ngành Thuế cũng phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để hoàn thành mục tiêu về đích ngân sách trong giai đoạn nước rút.
"Quý 4/2021 phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức đòi hỏi cơ quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước".
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Ông Cao Anh Tuấn cho biết, nhiệm vụ thu năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Thuế là 1.167.400 tỷ đồng. Như vậy, quý 4/2021 phải thu tối thiểu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng.
"Đây là con số rất thách thức đòi hỏi cơ quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tổng cục Thuế sẽ yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, phát hiện các trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trốn thuế, tránh thuế, dây dưa, chây ỳ nợ thuế... Đồng thời, rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh như thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản, nhất là tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư.
Về kế hoạch thu và giải pháp thu trong tháng 10 và quý 4, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, những tháng cuối năm, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp chống gian lận thương mại và chống thất thu. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước được giao.
Đáng chú ý, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tập trung vào chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các hàng cấm, buôn bán ma túy ở các tuyến đường bộ, sân bay, chuyển phát nhanh, đường biển, chống buôn lậu qua thương mại điện tử...